"Quyền lực" Hiệu trưởng?

ANTD.VN - Lâu nay, người ta vẫn có câu: “Hiệu trưởng một trường như vua một xứ”. 

Câu chuyện “vua một xứ” này xem ra rất đúng với Hiệu trưởng trường Mầm non An Đông, TP Huế khi đối chiếu những hành động đầy tính “quyền lực” của vị Hiệu trưởng với các giáo viên trong trường. 

Chuyện này chỉ bị bung ra sau nhiều tích tụ, bất bình từ những giáo viên bị đối xử bất công, thiếu tình người trong trường Mầm non An Đông. Không ai không hiểu thái độ của Hiệu trưởng thế nào khi bắt buộc gọi một giáo viên vừa phải phẫu thuật nằm viện hôm trước, hôm sau phải đến trường... họp gấp. Rồi hình ảnh Hiệu trưởng rượt đuổi giáo viên giành lấy điện thoại khi phát hiện giáo viên này ghi âm cuộc họp quả thật chỉ có một không hai.

Còn khi giáo viên bị ngất xỉu vì căng thẳng, suy nhược vì bị bắt buộc làm kiểm điểm, Hiệu trưởng để mặc giáo viên chờ người nhà đến đưa đi cấp cứu thì hành động này, liệu đó có phải là hành xử của một người lãnh đạo cao nhất của nhà trường? Hiệu trưởng được giao quyền quản lý, lãnh đạo nhà trường nhưng không thể và không được sử dụng một cách thái quá với những ứng xử thiếu tình người nói trên. 

Với những hành vi được xác định là vi phạm đạo đức nhà giáo như vậy, Hiệu trưởng trường Mầm non An Đông đã phải nhận quyết định điều chuyển sang trường mầm non khác, lý do là “thiếu khoa học, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành”. Đáng thất vọng thay, người này vẫn được “tín nhiệm” giao giữ vị trí Hiệu phó ở cơ sở mới. Một nhà giáo, một Hiệu trưởng không giữ được hình ảnh người thầy, vi phạm đạo đức nghề nghiệp phải chăng nên chuyển nghề hay ít nhất là phải thôi giữ chức vụ, đằng này lại… 

Hơn bất cứ công việc nào, người thầy phải có được cái tâm, có được phẩm chất, đạo đức nhà giáo thì mới có thể giáo dục được những công dân tốt. Như một hiệu trưởng ở Hà Nội suốt nhiều năm, không kể mưa nắng, ngày nào cũng tươi cười đứng ngoài cổng trường đón học sinh, hình ảnh ấy chắc chắn còn đọng lại mãi trong ký ức nhiều thế hệ học sinh và lan tỏa mãi trong xã hội hình ảnh một người thầy tận tâm với nghề.

Lâu nay, xã hội vẫn trông đợi vào nhà giáo, những người như tấm gương mẫu mực về kiến thức và lễ nghĩa để giao phó tương lai con em mình, dù vẫn biết không ai hoàn hảo cả và cũng không thể có rào cản nào tuyệt đối với thói xấu. Bởi vậy, nếu cứ xử lý theo kiểu “đánh bùn sang ao” như trường hợp vị Hiệu trưởng ở Huế nói trên, ngành Giáo dục sẽ không ngăn được những tiêu cực tương tự, đồng thời còn mất đi niềm tin của xã hội vào vai trò “trồng người”.