"Phụ nữ càng có nhiều con thì càng ít ly hôn"

ANTD.VN - Đó là một trong những thực trạng được TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng, Viện Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam rút ra sau khi tiến hành nghiên cứu, thống kê về các vụ ly hôn từ năm 2000 – 2009 tại hai quận huyện thuộc Hà Nội và Hà Nam. 

Nhiều thanh niên chỉ biết sống cho riêng mình

Một trong những chủ đề được các đại biểu quan tâm trong hội thảo “Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại” do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào sáng ngày 10-3 tại Hà Nội đó là tình trạng xuống cấp về đạo đức, hành vi ứng xử giữa người với người trong phạm vi gia đình, và trong toàn xã hội.

Đề cập đến vấn đề này, TS Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh: “Văn hóa gia đình trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Những biểu hiện tiêu cực như ngoại tình, ly hôn, con cái hư hỏng, người già không được quan tâm chăm sóc, bạo lực trong gia đình… có chiều hướng gia tăng”.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: "Các biểu hiện tiêu cực như ngoại tình, ly hôn... đang ngày càng gia tăng"

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cung cấp một số liệu đáng chú ý: Trong một cuộc điều tra xã hội học năm 2013 của Viện nghiên cứu Giới và Phát triển về gia đình đã cho thấy có tới 38% thanh niên tại 6 tỉnh của 3 miền Bắc- Trung- Nam đã cho rằng: Nên sống vì cá nhân mình, vì người ta chỉ được sống có một lần. Nếu có thể làm một điều gì đó có lợi cho mình thì dù nó không thật phù hợp với quan niệm văn hóa và lợi ích của gia đình, cộng đồng thì cũng là chuyện bình thường. GS.TS Lê Thị Quý cho biết, suy nghĩ này là “hết sức nguy hiểm”.

Con người đang ngày càng lệ thuộc vào mạng xã hội

“Mạng xã hội là một “chợ thông tin”. Tôi rất khó chịu khi hàng ngày mở báo chí ra đọc, chỉ toàn thấy chuyện “sao” này “sao” nọ, nào cô nghệ sỹ này bụng bầu xuống đường, cô này ăn mặc hở hang, “lộ hàng”… Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại chỉ quan tâm đến những chuyện như vậy?” - GS.TS Lê Thị Quý dẫn thêm.

“Vụ thảm sát ở Bình Phước khiến tôi thấy giật mình bởi ngoài hành vi tàn ác của đối tượng Hải Dương, thì cậu Tiến, dù không có quan hệ, hay thù oán gì với gia đình nạn nhân nhưng lại ra tay giúp hung thủ giết người dã man”. Bà thẳng thắn: “Chưa bao giờ xã hội mất tín nhiệm như thế này. Chúng ta không còn tin ai nữa. Động một cái là hàng giả, động một cái là thực phẩm bẩn…”

Ly hôn không còn được coi là thất bại         

Bổ sung cho quan điểm trên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay, cái tiêu cực đang lấn át cái tích cực. Ông dẫn lại nghiên cứu của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (2016): “So sánh các giá trị và phi giá trị ở Việt Nam hiện nay qua sự đánh giá của người dân thì thấy các phi giá trị luôn có số lượng vượt trội”. Điều đó dẫn đến hiện tượng là dù các chủ trương, chính sách của chúng ta luôn coi trọng văn hóa nhưng “thực tiễn cho thấy rằng sau gần 30 năm, bình diện văn hóa – con người ở Việt Nam không phát triển (đi lên) mà còn đi xuống”. 

Cũng tại hội thảo, TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng, Viện Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đưa ra những nghiên cứu khá bất ngờ về hiện trạng ly hôn. Bà cho biết, từ năm 1986 – Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập, quốc tế, cùng với sự mở cửa – văn hóa thì quan điểm về văn hóa gia đình cũng dần tay đổi. Ly hôn từ chỗ bị kỳ thị, định kiến, là sự thất bại, là tiêu cực thì xã hội dần có quan niệm cởi mở hơn về ly hôn.

Tỉ lệ ly hôn đang được trẻ hóa, phần lớn các cặp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống

TS Trần Thị Minh Thi đã đưa ra các số liệu dựa trên thống kê hôn nhân gia đình hàng năm của Tòa án Nhân dân tối cao, đặc biệt là hồ sơ ly hôn của những người ly hôn từ năm 2000 – 2009 của hai quận huyện đồng bằng sông Hồng (một huyện nông thôn tỉnh Hà Nam và một quận nội thành Hà Nội). Điều tra cho thấy nhiều hiện trạng như: Người trẻ ly hôn nhiều hơn (độ tuổi trung bình ở nữ là 34,4 và nam giới là 38 tuổi); Tỷ lệ ly hôn trong 5 năm đầu chung sống đạt mức cao nhất; Người khá giả thì có xu hướng ly hôn nhiều hơn…

Nhiều cặp vợ chồng quyết định ly hôn khi không có con (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các nghiên cứu này cũng chỉ ra một số thực trạng bất ngờ. Chẳng hạn như các cặp vợ chồng sống riêng hay phụ nữ càng có nhiều con thì càng ít ly hôn. Điều này cho thấy việc sống chung cùng bố mẹ đôi khi gây ra những mâu thuẫn không thể hóa giải dẫn đến ly hôn. “Mặt khác, những số liệu này cũng cho thấy giá trị con cái đối với người phụ nữ Việt Nam khá mạnh. Họ có xu hướng chịu đựng để con có được cả bố cả mẹ dù không hài lòng với cuộc hôn nhân của mình…” – TS Trần Thị Minh Thi nhận định.  

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến để Bộ VH-TT&DL xây dựng dự thảo về nội dung tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam.