Phía sau những kỷ lục huy chương Vàng Olympic quốc tế

ANTD.VN - “Cơn mưa” huy chương Vàng Olympic quốc tế đến từ các đội tuyển Việt Nam khiến nhiều người thắc mắc học sinh Việt Nam có thực sự giỏi đến vậy?

Sau niềm vui chiến thắng, câu hỏi luôn được đặt ra là phải chăng Việt Nam đã đạt đến trình độ cao trong “luyện gà nòi” khi không chỉ đoạt huy chương Vàng mà còn đứng trong tốp đầu đội tuyển các nước, thậm chí đạt mức điểm cao nhất trong các đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế 2017.

Nhiều đổi mới trong “luyện gà nòi”

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định, năm 2017, các đội tuyển thi Olympic quốc tế Việt Nam đã có thành tích vượt bậc về số lượng huy chương Vàng dù rằng liên tục nhiều năm vừa qua, thành tích của học sinh Việt Nam ở các kỳ thi Olympic quốc tế đều rất ấn tượng.

Tuy nhiên, chia sẻ trong buổi đón đoàn đội tuyển về đến Hà Nội, PGS.TS Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế cho biết, thành tích cao của đội tuyển hoàn toàn không bất ngờ. Thành tích này là hoàn toàn xứng đáng, đúng theo kỳ vọng. 

Thực tế cho thấy, Hoàng Hữu Quốc Huy, đạt huy chương Vàng với thành tích xuất sắc đạt mức điểm cao nhất trong kỳ thi đã khẳng định bản thân không phải là thần đồng mà xuất phát từ niềm say mê, yêu thích môn học này.

“Giành huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế không phải là mục đích cuối cùng. Công tác đào tạo để các em tiếp tục thành công, cống hiến có hiệu quả trí tuệ của mình cho công cuộc phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng, lâu dài”.

Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Lý giải về thành công của học sinh Việt Nam lần này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, việc em Hoàng Hữu Quốc Huy ở Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được thành tích xuất sắc này cho thấy công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương đã được làm tốt, công tác thi tuyển đã được đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Chính vì vậy, đã chọn được chính xác các em có năng lực tốt nhất để tham gia vào đội tuyển, hơn thế nữa còn tạo được động lực để cho các em học sinh này có năng lực tự tìm tòi, tự nghiên cứu, phát triển tiềm năng của các em.

Việc cử ra “Thuyền trưởng” PGS. TS Lê Anh Vinh sau 4 năm làm Phó trưởng đoàn Olympic Toán quốc tế cũng góp phần tạo ra thành công không nhỏ. PGS.TS Lê Anh Vinh đã cùng các thầy cô bồi dưỡng đội tuyển đưa ra phương pháp học tập thích hợp, những đề thi ngang tầm quốc tế. 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, yếu tố quan trọng để có được thành công là do chất lượng giáo dục phổ thông của chúng ta được nâng lên, trên nền tảng đó thì chất lượng giáo dục mũi nhọn của chúng ta có những phát triển vượt bậc. 

Hơn nữa, việc triển khai dạy học các môn Toán và khoa học Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh được triển khai nhiều năm qua đã giúp học sinh có đủ khả năng về ngoại ngữ và tiếp cận với các tài liệu nước ngoài. Nội dung giáo dục cập nhật với trình độ giáo dục thế giới hơn, thiết bị thí nghiệm của các trường chuyên những năm qua được tăng cường giúp đội tuyển Việt Nam khắc phục những điểm yếu trước đây như trình độ ngoại ngữ, khả năng thực hành kém…

4 thành viên đội tuyển Olympic quốc tế Vật lý 2017 đã quyết định đầu quân vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Huy chương Vàng không phải mục tiêu cuối cùng

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, thành tích của các em rất đáng tự hào, khích lệ. Tuy nhiên, giành huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế không phải là mục đích cuối cùng. Công tác đào tạo để các em tiếp tục thành công, cống hiến có hiệu quả trí tuệ của mình cho công cuộc phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng, lâu dài.

Bộ GD-ĐT đã có các chương trình học bổng thông qua các đề án để tạo điều kiện cho các em được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước với các chuyên ngành phù hợp với năng lực của các em cũng như nhu cầu của đất nước.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nội dung về đầu tư cho công tác đào tạo, sử dụng các học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Với kế hoạch này, các em đã đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic quốc tế sẽ có thêm cơ hội để được đào tạo đại học, sau đại học ở các nước phát triển, giúp các em phát huy năng lực, trí tuệ để phục vụ đất nước trong tương lai.

Với các trường đại học trong nước, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong trường hợp các quán quân, á quân Olympic quốc tế 2017 đầu quân vào trường này, nhà trường sẽ đầu tư, phân tích đường hướng riêng, phù hợp với năng lực học tập cũng như gắn kết với thực tiến ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học để các em có thể phát huy tối đa thành quả của mình.

PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết, nhiều thí sinh giành giải trong cuộc thi Olympic quốc tế 2017 sẽ đầu quân cho ĐH Bách khoa Hà Nội, trong đó, có 4 thí sinh đoạt huy chương Vàng và 1 thí sinh đoạt huy chương Bạc. Riêng Hoàng Hữu Quốc Huy (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), người giành huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2017 với số điểm cao nhất kỳ thi cho biết, trước mắt, sẽ theo học ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM.