Sau hàng loạt vụ học viên trốn trại cai nghiện:

Phải tính toán lại mô hình cai nghiện

ANTD.VN - Sau hàng loạt vụ học viên quấy rối tại các cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, cần phải tính toán, xây dựng lại mô hình cai nghiện. Xu hướng chung là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc, chỉ áp dụng hình thức này khi đối tượng không thể cai nghiện ở cộng đồng hoặc không có nơi cư trú ổn định.

Phải tính toán lại mô hình cai nghiện ảnh 1Điều kiện cai nghiện tốt, học viên sẽ không nghĩ đến việc bỏ trốn

Sàng lọc, phân loại đối tượng cai nghiện

Vừa qua, tại các cơ sở cai nghiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai liên tiếp xảy ra việc học viên đập phá cửa, tường rào, gây náo loạn để trốn ra ngoài. Đáng chú ý, các vụ việc phá trại liên tiếp xảy ra ở Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai (3 lần trong vòng 2 tuần) gây bất an cho người dân địa phương. Tình trạng này cũng khiến dư luận hoang mang, lo ngại về việc sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền tới những cơ sở điều trị cai nghiện khác. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến các vụ bỏ trốn liên tiếp xảy ra do cơ sở vật chất chật hẹp, số lượng học viên quá đông nhưng chưa được sàng lọc, tâm lý chưa ổn định, dễ bị kích động.

Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay, cả nước có khoảng 200.000 người nghiện ma túy được quản lý bằng hồ sơ, với 123 cơ sở cai nghiện. Ngoại trừ Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng có điều kiện cai nghiện tương đối tốt (có cả nơi vui chơi giải trí và môi trường làm việc), các cơ sở ở các địa phương còn lại đều không đáp ứng được yêu cầu, có nơi quá tải 30 -40%, cá biệt có nơi số lượng học viên vượt quá 3 lần. Việc quá tải cùng với cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp khiến học viên nảy sinh tâm lý phá trại đòi về.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh những vấn đề bất cập trong công tác quản lý cai nghiện sau các vụ việc học viên cơ sở cai nghiên liên tiếp bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, phải tính toán, xây dựng lại mô hình cai nghiện, trong đó xác định đối tượng cai nghiện tự nguyện và bắt buộc là khác nhau. Xu hướng chung là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc, chỉ áp dụng hình thức này khi không thể cai nghiện ở gia đình, cộng đồng hoặc người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Bên cạnh đó, về lâu dài phải đầu tư xây dựng, mở rộng trung tâm cai nghiện trên cơ sở đầu tư đến nơi đến chốn và phải áp dụng cơ chế đặc thù.

Tăng cường quản lý ở cơ sở

Bàn về giải pháp hạn chế tình trạng học viên trốn trại, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, việc hàng trăm học viên liên tiếp “vượt rào” tại các trung tâm cai nghiện thời gian qua đều bắt nguồn từ một số đối tượng “cộm cán” quá khích lôi kéo, kích động, gây náo loạn rồi bỏ trốn. Mặt khác, phần lớn những người được đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc về tâm lý và nhận thức đều chưa hoàn toàn tự nguyện nên luôn có tư tưởng bất hợp tác, không tuân thủ quy trình trị liệu dẫn đến cai nghiện không hiệu quả. 

Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề, các địa phương phải tập trung xử lý tốt một số vấn đề. Trước hết, phải phân loại từng đối tượng, chỉ những trường hợp cần thiết mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Số học viên nghiện nặng, có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây gổ, kích động, lôi kéo, cần được quản lý chặt, tách ra một khu vực riêng.

Bên cạnh đó, cán bộ các trung tâm, cơ sở điều trị cai nghiện phải giải thích, nâng cao nhận thức cho học viên, để họ yên tâm chữa bệnh chứ không phải bị quản thúc, giam hãm. Về mặt cơ sở vật chất cần phải tăng cường đầu tư trang thiết bị, bảo đảm được mức tối thiểu về điều kiện vệ sinh, ăn ở. Học viên được ăn ở tốt, sinh hoạt văn hóa thể thao tốt, đời sống tinh thần thoải mái thì sẽ không nghĩ đến việc bỏ trốn. Ngoài ra, các địa phương phải có sự phối hợp với các cơ quan quản lý, cơ quan công an để đảm bảo an ninh; Kiên quyết xử lý đối với những trường hợp gây rối, kích động, gây phức tạp trong quá trình cai nghiện.

Cùng quan điểm phải tăng cường sự quản lý ở cơ sở, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền phân tích, các cơ sở cai nghiện ma túy chịu sự quản lý của UBND các tỉnh, Chính phủ giao cho địa phương xây dựng quy chế hoạt động của các cơ sở điều trị cai nghiện. Vì vậy, để công tác cai nghiện được thực hiện hiệu quả, ngoài những giải pháp nêu trên, các địa phương phải hoàn thiện, sửa đổi các quy chế quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, đề nghị đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đặc biệt là quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy và quy định về người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định để phù hợp với quy định của pháp luật.