Phải đặt trong cái nhìn tổng thể

ANTD.VN - Trải qua cả trăm năm, từ công năng ban đầu là dành cho giao thông (lối đi riêng cho người đi bộ) và không gian công cộng, vỉa hè dần được sử dụng vào vô vàn mục đích khác nhau của đời sống. 

Người Hà Nội kinh doanh, buôn bán; để ô tô, xe máy, xe đạp; nấu nướng, ăn uống; liên hoan, giỗ chạp, ma chay, cưới xin… tất tần tật diễn ra trên vỉa hè. Không hề quá khi nói rằng, một bộ phận người Hà Nội sống ở vỉa hè, sống nhờ vỉa hè. Chính vì phải “ôm” từng ấy chức năng, nhất là chức năng nuôi sống con người, vỉa hè Hà Nội đã không còn là chính nó. Nó méo mó, nhếch nhác, xấu xí và cứ thế, các công năng gốc của vỉa hè  hầu như không còn.

Chịu trách nhiệm cho sự biến mất của vỉa hè Hà Nội chính là người dân và các cơ quan quản lý của thành phố. Người dân, vì mưu sinh, đã mặc định mình là chủ vỉa hè phía trước nhà, toàn quyền định đoạt nó, biến nó thành của riêng và bắt nó phục vụ, đem lại lợi ích cho riêng họ, không đếm xỉa tới lợi ích cộng đồng.

Các cơ quan quản lý, hoặc là đổ tại lực bất tòng tâm hoặc mắt nhắm mắt mở chấp nhận đổi chác, tiêu cực, “đi đêm” để thỏa hiệp với người sử dụng vỉa hè trái phép. Hệ quả của những mối quan hệ lợi ích chằng chịt và bền vững này là trải qua bao nhiêu đợt “cao điểm”, “ra quân”… vỉa hè Hà Nội vẫn không thuộc về người đi bộ. Sau cùng, văn minh, hiện đại đành chịu thua lợi ích cục bộ.

“Trả lại vỉa hè phong quang cho người đi bộ” - khỏi phải bàn, là việc phải làm. Nhưng khẩu hiệu này không mới, nó đã được nói đi nói lại từ hàng chục năm nay. Một năm vài lần, khẩu hiệu này lại được hô vang và sau đó ít lâu thì đâu lại vào đấy. Do lực lượng chức năng thiếu quyết tâm; do có tiêu cực, bao che; do người dân thiếu ý thức…

Có rất nhiều lý do nhưng tựu chung là bài toán lợi ích thu được từ vỉa hè chưa được giải. Những yếu tố cấu thành nên “văn hóa” vỉa hè Hà Nội rõ ràng chưa được tính toán hết nên kết quả của “cao điểm”, “ra quân” không bền vững. Vi phạm được dẹp bỏ hôm nay nhưng ngày mai tái diễn, không sao dứt điểm được. 

Muốn có lời giải đúng, “bài toán” vỉa hè phải được đặt trong cái nhìn tổng thể với tất cả các yếu tố tạo nên nó. Chế tài nghiêm khắc xử lý vi phạm nên đi kèm với lối thoát cho những người đang sống nhờ vỉa hè. Chính quyền cần có trách nhiệm bố trí, hướng dẫn họ làm ăn, kinh doanh đúng pháp luật và không ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng. Ở chừng mực nào đó, chúng ta không thỏa hiệp với vi phạm nhưng phải chấp nhận sự khác biệt của hè phố Hà Nội thì mới có được lối ra cho mớ bòng bong bế tắc hiện nay.