Phá ATM nhưng chưa lấy được tiền, phạm tội gì?

ANTD.VN - Khoảng 2h ngày 24-4, do trời mưa nên Trần Quang A đi vào trong cây rút tiền tự động (ATM) của ngân hàng trú mưa. Tại đây, quan sát không thấy có người nên A đã nảy sinh ý định cạy phá cây ATM để trộm cắp tiền. 

Nội dung vụ án

Trần Quang A đã nhặt một cục bê tông để phá cây ATM. Khi A đang tìm cách mở khóa két sắt thì bị bảo vệ phát hiện và tri hô khiến T phải bỏ chạy. Sau đó, A đã bị bắt khi đang trên đường bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã phối hợp với ngân hàng và cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra xác định các thiết bị, máy móc Trần Quang A làm hỏng khi cạy phá cây ATM với tổng giá trị thiệt hại 209 triệu đồng. Kiểm tra thực tế số tiền tại thời điểm A cạy phá, bên trong cột ATM có 354 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã xác định số tiền mặt bên trong két của cây ATM chưa bị mất. 

Vấn đề đặt ra là với hành vi trên, Trần Quang A đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản

Căn cứ vào vụ việc có thể thấy hành vi của Trần Quang A mặc dù nhằm mục đích trộm cắp tài sản nhưng đã cố ý cạy phá và làm hư hỏng, mất giá trị sử dụng của cây ATM, xâm phạm đến tài sản của ngân hàng gây thiệt hại trị giá 209 triệu đồng. Do đó, A phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Tuy mục đích ban đầu của Trần Quang A khi đập phá máy ATM là để trộm tiền, nhưng Trần Quang A chưa phạm tội trộm cắp tài sản bởi tội trộm cắp tài sản có cấu thành vật chất, tài sản phải chiếm đoạt được và có định lượng. Bên trong máy ATM tại thời điểm A định trộm cắp có 354 triệu đồng nhưng cơ quan điều tra đã xác định số tiền mặt bên trong két của cây ATM chưa bị mất. Tức là, A chưa chiếm đoạt được tiền trong máy ATM, nên hành vi của A không đủ yếu tố để cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Quang Thái (Nghi Lộc - Hà Tĩnh)

Phạm tội chưa đạt 

Trần Quang A đã có hành vi lén lút, lợi dụng đêm tối để trộm cắp tài sản, xâm phạm quyền sở hữu của ngân hàng với giá trị chiếm đoạt là 354 triệu đồng. Hậu quả của hành vi phạm tội mà Trần Quang A gây ra là làm hư hỏng cây ATM gây thiệt hại 209 triệu đồng. Tuy nhiên mục đích của Trần Quang A là nhằm trộm cắp tài sản nên để lấy được tiền thì bắt buộc đối tượng phải cạy phá, làm hư hỏng cây ATM. Hành vi này của Trần Quang A chỉ nhằm phục vụ cho mục đích ban đầu là trộm cắp tài sản ở cây ATM.

Vì thế, không thể coi đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự. Việc Trần Quang A chưa trộm cắp được số tiền mặt có trong cây ATM là do bị bảo vệ phát hiện nên bỏ chạy, do đó theo tôi A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản trong trường hợp phạm tội chưa đạt với giá trị chiếm đoạt là 354 triệu đồng.

Hoàng Thái Hùng (Quế Võ - Bắc Ninh)

Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Theo quy định của pháp luật, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai. Trong vụ việc này có thể thấy cây ATM là tài sản thuộc quyền quản lý của ngân hàng và có thể coi bảo vệ là những người thay mặt cho ngân hàng để quản lý tài sản. Việc Trần Quang A lợi dụng đêm tối và trời mưa gió cộng với sự sơ hở của bảo vệ ngân hàng để có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Do đó Trần Quang A đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 137, Bộ luật Hình sự. 

Trần Thúy Hà (Kiến An - Hải Phòng)

Bình luận của luật sư

Căn cứ vào các tình tiết trong vụ việc có thể thấy, ý định của Trần Quang A khi phá máy ATM là để lấy tiền, số tiền bên trong ATM tại thời điểm A có ý định trộm cắp là 354 triệu đồng. Quá trình đập phá máy ATM, A gây thiệt hại số tiền 209 triệu đồng. Căn cứ Tiểu mục 3.3.

Mục I Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (TT02): “Đối với các tội có quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng, thì việc xác định hậu quả thiệt hại về tài sản không phải căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng, vì giá trị tài sản này đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt. Hậu quả phải là thiệt hại về tài sản xảy ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng”.

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng có cấu thành vật chất, tài sản hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng phải có định lượng nên theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 143, Bộ luật Hình sự. Xét về mặt chủ quan, trong tình huống này, A nhận thức rõ hành vi của mình sẽ làm hư hỏng tài sản nhưng A cố ý phá hủy máy ATM để trộm cắp tiền trong máy.

Không thể cho rằng mục đích của Trần Quang A là nhằm trộm cắp tài sản nên để lấy được tiền trong cây thì bắt buộc đối tượng phải cạy phá, làm hư hỏng cây ATM vì đối với tội này thì cho dù phá hủy tài sản của người khác vì bất cứ mục đích gì (thù tức cá nhân, để thực hiện tội phạm khác, phá chơi không có mục đích…) nhưng nếu là cố ý thì đều phạm tội nếu đủ yếu tố về mặt chủ thể và hậu quả xảy ra. Vì vậy, trong trường hợp này Trần Quang A phạm vào tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo Khoản 3, Điều 143, Bộ luật Hình sự. 

Ngoài ra, trong vụ việc này, mặc dù Trần Quang A chưa hoàn thành việc trộm cắp và chưa lấy được số tiền trong máy ATM nhưng Trần Quang A sẽ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Theo Điều 18, Bộ luật Hình sự : “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại mục 2 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4-8-2000. Về hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt: Theo khoản 1 và khoản 3, Điều 52, Bộ luật Hình sự quy định về việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt: “Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng”. 

Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, có thể thấy phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra đối với loại tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Trong đó, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa thực hiện trọn vẹn hay chưa hoàn thành tội phạm đó vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội; người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.

Khi thực hiện hành vi trộm cắp, mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm được tài sản. Mục đích này bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội trộm cắp tài sản. Do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút.

Điều này được thể hiện rất rõ trong vụ việc này là Trần Quang A lợi dụng đêm tối, xung quanh không có ai, nên đã thực hiện hành vi trộm cắp của mình bằng cách dùng cục bê tông để đập phá cây ATM. Trong lúc đang tìm cách mở két sắt thì bị bảo vệ phát hiện, A đã bỏ chạy. Dù chưa lấy được tài sản, nhưng A đã có ý định và mục đích trước khi thực hiện hành vi của mình. Việc A không lấy được tiền là vì lý do khách quan và nằm ngoài ý chí của A.

Vậy nên dù cho A có chưa chiếm đoạt được tiền trong cây ATM, nhưng vẫn bị coi là đã phạm tội trộm cắp tài sản trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Trần Quang A nhận thức rõ là trong máy ATM có tiền, mặc dù không biết cụ thể là bao nhiêu và A đã lén lút đập máy ATM với mục đích là trộm cắp số tiền trong máy.

Chỉ khi bị phát hiện A mới không thể tiếp tục thực hiện được hành vi trộm cắp tài sản. Trên thực tế bên trong máy ATM có 354 triệu đồng, nếu không bị phát hiện thì A đã trộm cắp được số tiền trên. Do đó hành vi của A thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo quy định tại Khoản 3, Điều 138, Bộ luật Hình sự.

Như vậy trong vụ việc này Trần Quang A phạm 2 tội là tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo Khoản 3, Điều 143, Bộ luật Hình sự và  tội trộm cắp tài sản theo Điều 138, Bộ luật Hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Trần Quang A không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được, trong khi ở vụ việc này A đang tìm cách để mở khóa két sắt của cây ATM thì bị bảo vệ phát hiện và tri hô đã khiến A phải bỏ chạy.

  Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)