Nữ phóng viên truyền hình kể chuyện làm đêm

ANTD.VN - Công việc của phóng viên truyền hình khá đặc thù và vất vả vì nó bao gồm 2 khâu tiền kỳ và hậu kỳ. Những người được đào tạo đúng chuyên ngành truyền hình, đã chuẩn bị tâm lý trước nhiều khi vẫn “hoảng” khi thực sự vào nghề.

Phóng viên ATV (bên trái) chuẩn bị trước khi quay Talkshow chuyên mục Giải đáp pháp luật

Điều đó cũng không ngoại lệ với các phóng viên Truyền hình An ninh ATV. Phần lớn phóng viên ATV hiện nay đều không đào tạo qua ngành truyền hình nhưng với nỗ lực, cố gắng, cùng với sự nhiệt huyết, “cháy” hết mình với “lửa” nghề, họ đã nhanh chóng quen việc, góp phần tạo nên một loại hình báo chí mới, thương hiệu mới cho An ninh Thủ đô.

Vừa làm vừa học hỏi

Làm công tác biên dịch cho báo in được 5 năm, với tôi, đó là quãng thời gian đủ dài để yêu cái nghề mình đeo đuổi. Cuối năm thứ 5, tôi được Ban Biên tập chuyển công tác về Ban Điện tử - Truyền hình, với một nhiệm vụ mới là làm phóng viên truyền hình. Truyền hình có một đặc thù rất riêng mà ngay cả người được đào tạo đúng chuyên ngành nhiều khi còn mất nhiều thời gian mới có thể thạo nghề. Thế nên với một phóng viên “tay ngang” như tôi, khó khăn còn nhiều hơn gấp bội.

Làm báo in nhiều khi còn có thể nhẩn nha nhưng truyền hình lại có những khoảnh khắc mà nếu không tranh thủ thì coi như mất đứt. Thế nên cứ phải vừa làm vừa học hỏi, vừa quan sát, vừa tự động viên mình. Kinh nghiệm của các nhà báo đi trước chính là “hành trang” cho tôi và rất nhiều phóng viên trẻ học tập, tự tin trên những cung đường tiếp theo của nghề báo.

Trắng đêm cùng “cát tặc”

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian làm nghề của tôi là đêm thức trắng cùng các chiến sỹ CSGT đường thủy đi bắt “cát tặc”. Đêm đó, vào giữa tháng 6, trời oi ả. Nhận được thông tin mật từ Đội CSGT đường thủy đêm ấy sẽ “đánh úp” tội phạm khai thác cát trái phép trên sông Hồng, chúng tôi phục kích từ chiều.

Đến 23h đêm, chúng tôi cùng các chiến sỹ ngụy trang thành những lái buôn đi tìm điểm thu mua cát. Lê đôi dép “tổ ong” mượn được của một chiến sỹ trẻ, bước xuống thuyền, tôi mới hiểu được sự vất vả, khó khăn của các anh. Mặt sông phẳng lặng tưởng bình yên, nhưng cuộc chiến của các anh thực sự rất khốc liệt.

Khoảng 2h đêm, gần 20 CBCS chia thành 3 tổ công tác đi trên 3 chiếc thuyền trà trộn vào “trận địa”, nơi “cát tặc” đang hoạt động. Vừa thấy đó, các đối tượng trên tàu cuốc lập tức tắt máy, định nhảy xuống sông bơi tẩu thoát, nhưng bị các chiến sỹ công an kịp thời bắt giữ.

Kịch tính là vậy, nên để ghi lại những thước phim về trận chiến khốc liệt trên sông nước này, ê kíp Truyền hình An ninh ATV chúng tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ. Đặc biệt với phóng viên lần đầu được chứng kiến cảnh truy bắt tội phạm như tôi thì còn có cả nỗi sợ hãi. Ngay từ chiều, ê kíp phải chuẩn bị những thiết bị ghi hình chuyên dụng, quay bằng hồng ngoại để có thể quay xuyên màn đêm.

Sông nước mênh mông nhưng dường như không êm đềm như những gì trong vần thơ tôi được học. Vừa bước xuống thuyền, cái cảm giác tròng trành cứ bủa vây khiến tôi bị say sóng lúc nào không biết. Mặc dù cơn say sóng làm mặt mũi xanh mướt, đầu óc chếnh choáng như không thể đứng vững trên chiếc xuồng nhưng phút cuối sau khi bắt giữ thành công các đối tượng khai thác cát trái phép, tôi vẫn cố gắng ghi được đúp hình cuối với vai trò MC dẫn hiện trường. 

Đi đêm lắm có ngày gặp… “ma”

Mỗi trận địa là có một cách thức đấu tranh tội phạm riêng. Phóng viên Truyền hình ATV nhớ những chuyến “dạt” đêm cùng các tổ công tác 141/CATP Hà Nội. Câu “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, có lẽ đúng với tôi. Mặc dù đối mặt, tiếp cận với nhiều loại tội phạm, nhưng trong những nhà báo trẻ như tôi luôn có một chút chủ quan, đó là những lần tiếp cận tội phạm thường có các cán bộ công an sát cánh nên khó xảy ra sự cố. Ấy vậy mà không phải! 

Tôi nhớ lần đó, tổ công tác Y7 bắt một đối tượng vận chuyển ma túy. Sau khi phát hiện đối tượng này giấu ma túy trong túi quần, tổ công tác chuyển đối tượng về CAP gần nhất để xử lý theo thẩm quyền và gọi điện thoại báo tin cho tôi. Khi tôi vừa bước chân vào trụ sở CAP, đối tượng bị còng tay đang đứng đợi thủ tục bàn giao. Thấy tôi vào, đối tượng bất ngờ lao về phía tôi, đe dọa giết cùng nhiều lời lăng mạ. May mà các đồng chí CSGT, CSCĐ kịp thời khống chế, không để đối tượng gây nguy hiểm cho phóng viên.

Mỗi kỷ niệm mỗi lần tác nghiệp khiến tôi thấy nghề báo không có sự ưu ái cho nhà báo nữ. Muốn có những tác phẩm được khán giả đón nhận thì dù là nhà báo nam hay nhà báo nữ đều phải có sự nỗ lực như nhau, tìm tòi đào sâu, đương đầu với hiểm nguy như nhau. Đặc biệt là một phóng viên, biên tập viên truyền hình thì lịch trình công tác dày đặc, rõ ràng là một nữ nhà báo sẽ gặp khó khăn và vất vả hơn nhiều so với các nhà báo nam. Tuy nhiên, với nữ phóng viên Truyền hình An ninh ATV thì họ, cũng như tôi, luôn nỗ lực vượt qua bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và cả sự tự hào bởi vừa là nhà báo, vừa chiến đấu như một chiến sỹ công an thực thụ.