Những tấm lòng thiện nguyện chia sẻ yêu thương giữa Thủ đô

ANTD.VN - Giữa Thủ đô Hà Nội ồn ào náo nhiệt, có những bạn trẻ, có những người luôn tìm cách cho đi mà không mong được nhận lại. Đơn giản chỉ là cùng chung tay chia sẻ yêu thương.

Hà Nội đất chật người đông, công nghệ phát triển khiến con người cũng có nhiều suy nghĩ thay đổi. Nhiều khi lòng tốt đặt không đúng chỗ, khiến con người trở nên xa cách, nghi ngờ lẫn nhau. Dù vậy, vẫn có những “Mạnh Thường Quân” sắn sàng làm việc thiện, dù có thể đôi khi lòng tốt đó bị hiểu sai, bị lợi dụng. Đối với họ, việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là niềm vui trong cuộc sống. Thà giúp nhầm người chứ không thể thấy thương mà không giúp, thấy chết mà không cứu.

Hàng bánh mỳ trà đá… miễn phí

Rất nhiều người qua đường ấn tượng với tủ bánh mỳ miễn phí ở số 106 Cửa Bắc, Hà Nội. Một tủ kính bánh mỳ được đặt ngay sát mép đường, ai cần thì lấy, mỗi người một chiếc thôi nhưng khiến rất nhiều người lao động không còn phải lo cái đói nếu ngày hôm ấy chẳng buôn bán, kiếm được việc gì.

Tủ bánh mỳ từ thiện và bình trà đá đề chữ “miễn phí” đã dần quen thuộc với người dân sống tại con phố Cửa Bắc hơn một năm nay.

Chị Hiền Anh, chủ nhà hàng bánh mỳ Như Nguyệt, nơi đặt tủ bánh mỳ miễn phí chia sẻ: “Nhìn nhiều hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ được, tôi cảm thấy rất khó chịu. Bởi vậy nên tôi đã quyết định làm một tủ bánh mỳ miễn phí, ai thiếu họ sẽ đến lấy, như vậy là tôi có thể giúp được tất cả những trường hợp nghèo khó mình gặp rồi”.

Trung bình mỗi ngày, chị Hiền Anh mua khoảng 50 – 60 chiếc bánh mỳ bỏ đầy tủ kính, chỉ quá buổi trưa là hết bánh. Vào ngày thứ 5 hàng tuần, nhà hàng sẽ làm bánh mỳ kẹp trứng thay vì để những chiếc bánh mỳ không. Những ngày ấy, bánh mỳ còn hết nhanh hơn.

Tủ bánh mì từ thiện thường hết sau giờ nghỉ trưa. Không chỉ có bánh mì mà bà chủ còn đặt thêm một bình nước phục vụ miễn phí.

Tuy nhiên, qua một thời gian đưa vào hoạt động, chủ quán bánh mỳ từ thiện cũng cho biết: “Đề biển mỗi người chỉ lấy một ổ nhưng nhiều người vẫn lấy đến 5-6 cái, tôi cũng đã nhắc, nhưng họ đều là những người lớn tuổi nên không dám nói nhiều”. Bên cạnh một số người có hoàn cảnh khó khăn thực sự thì vẫn còn những trường hợp thiếu ý thức khiến người làm từ thiện cũng phải trăn trở.

Tủ quần áo trao – nhận tình thương

Những ngày gần đây, tủ quần áo “ai thiếu đến lấy” đã mở ra một làn sóng trong xã hội, tuy nhiên hình thức này không chỉ được triển khai ở địa chỉ 97 Nguyễn Chí Thanh mà còn được đặt ở một số nơi khác như 14 Quán Sứ, 136 Âu Cơ… Ban đầu, hầu hết các tủ quần áo từ thiện đều được đặt ở ven đường, không có người trông coi nên đến cuối ngày, quần áo bị vo thành từng đống, không khác mớ vải vụn.

Tủ quần áo “ai thiếu đến lấy” trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội đã nhận được rất nhiều quần áo quyên góp của người dân Thủ đô.

Những tấm lòng thiện nguyện chia sẻ yêu thương giữa Thủ đô ảnh 3

Người đến lấy đồ thường là người dân lao động nghèo, có nhiều người đến lấy quần áo cho cả con cái.

Chính vì vậy, ở địa chỉ trên đường Nguyễn Chí Thanh, nhóm thiện nguyện Trao nhận tình thương đã phải cắt cử các thành viên thay nhau túc trực, nhắc nhở người dân có ý thức hơn để lòng tốt không bị vò nát thành đồ bỏ đi.

Trao đổi với anh Trần Huy Cường, một thành viên trong nhóm xây dựng tủ đồ miễn phí chia sẻ: “Ban đầu nhóm có đề ra phương án là mỗi người sẽ chỉ được lấy 1 – 2 chiếc, nhưng sau này đưa vào thực tiễn thì thấy nhiều trường hợp họ khó khăn thực sự nên để họ lấy thêm”.

Trong khoảng 3 tuần thực hiện chương trình tủ đồ từ thiện tại đường Nguyễn Chí Thanh, anh Cường cũng cho biết: “Tôi ở đây mới thấy có trường hợp rất khổ. Mấy hôm trời mưa mà vẫn có bà cụ 80 tuổi ra đây lấy đồ cho anh con trai 53 tuổi bị bại liệt đang nằm nhà. Tuy vậy nhưng sức mình cũng có hạn, không thể giúp đỡ được tất cả mọi người, bởi vậy nên tôi hy vọng nhóm chúng tôi đã vẽ ra đầu câu chuyện thì sẽ có những người tốt khác viết tiếp câu chuyện ấy”.

Tủ đồ từ thiện Tặng và Nhận trên đường Âu Cơ còn khá mới mẻ nên chưa nhận được nhiều sự ủng hộ từ nhiều phía.

Cũng là câu chuyện về tủ đồ miễn phí ở số 136 Âu Cơ, Hà Nội, chị Lê Thu Hồng, chủ của tủ đồ này chia sẻ: “Trong cuộc sống có nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm mà mình không biết được, những ai biết thì tôi đã giúp họ rồi, còn những ai tôi không biết thì đành để tủ đồ miễn phí này thay tôi trao tình thương tới họ”.

Tủ đồ của chị Hồng cũng đã đưa vào hoạt động được khoảng 4 tháng, còn khá mới, chưa tiếp cận được nhiều người, chủ yếu là người dân xung quanh và những người quen biết đóng góp quần áo, bởi vậy nên quần áo còn ít, không đa dạng như những nơi khác.

Ở đây chủ yếu là người già và những người gánh hàng rong ghé vào lựa quần áo, ít có trẻ con hay nam giới.

Ông Tưởng, một người dân lao động quê ở tỉnh Thanh Hóa, hiện đang thuê trọ tại phố Yên Lãng, Hà Nội, cũng đến lựa độ nhưng rồi lại đặt lại, ông nói: “Tôi tuy nghèo thật nhưng mà đồ vừa thì tôi mới lấy, cái gì không vừa tôi để lại/ Lấy mang về mà không mặc tới thì phí lắm”.

Bạn Tuấn Anh, sinh viên năm cuối khoa Kế toán, Đại học Nông nghiệp, đi quãng đường khá xa từ Gia Lâm sang để quyên góp quần áo không dùng tới. Tuấn Anh nói: “Sinh viên cũng không dư dả lắm nhưng tôi biết còn nhiều trường hợp khó khăn hơn mình nên muốn giúp đỡ họ”.

Những tấm lòng thiện nguyện chia sẻ yêu thương giữa Thủ đô ảnh 7

Có một số cá nhân có điều kiện cũng đến để quyên góp nhiều bao tải quần áo.

Trong cuộc sống, ngay giữa Hà Nội, vẫn còn những tấm lòng tốt, họ trao đi nhưng không mong nhận lại. Được làm việc thiện đó là niềm vui rồi. Hy vọng việc sẻ chia yêu thương của họ sẽ được lan tỏa trong tương lai.