Những người thoát "bẫy lừa" bán hàng đa cấp

ANTĐ - Bán hàng đa cấp giờ đây không còn là một khái niệm xa vời. Thậm chí, trải qua cả chục năm phát triển ở Việt Nam, nó vẫn có nhiều “đất sống”, dù danh sách những người nếm trải và cảm thấy “bị lừa” vì đa cấp liên tục dài thêm.

Không bàn tới sự “đúng – sai” trong bản chất hoạt động đa cấp, mà chỉ tập trung vào thực tế các hoạt động đa cấp ở Việt Nam bị biến tướng như thế nào, PV báo ANTĐ đã phỏng vấn, ghi nhận ý kiến, quan điểm cá nhân của những người có mối liên quan khác nhau với bán hàng đa cấp.
Những người thoát "bẫy lừa" bán hàng đa cấp ảnh 1Nhiều người thiếu kinh nghiệm đã đặt trọn niềm tin vào những thông tin giới thiệu hệ thống đa cấp "vừa dễ vừa nhanh giàu"
* Anh N.Q.D (30 tuổi, kỹ sư): Chưa từng tham gia đa cấp, vì… thấy bất cập

“Tôi chưa từng tham gia vào một đường dây đa cấp nào, vì ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên với những người 'đa cấp', nghe các khóa thuyết trình sặc mùi rủ rê nhưng nếu có thực tế kinh doanh thì sẽ thấy nó rất thiếu hiệu quả, thì tôi đã biết mình phải từ chối rồi.

Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi đã được họ mời chào với thái độ nhiệt tình khó tả. Mời chào nhiệt tình chuyện… chia sẻ cách làm giàu, cùng một kiểu thuyết phục ‘được dạy” giống nhau.

Về sau này, dường như xã hội ngày càng có nhiều người cảnh giác với đa cấp, nên họ đổi sang chiêu mới là tự nhiên lâu ngày không gặp, cũng không có quan hệ cụ thể gì nhưng đột nhiên họ gọi điện, hẹn gặp với thái độ chân tình khó tả, nhưng lại cứ úp mở không chịu nói ra hẹn để làm gì. Chỉ tới khi đến nơi, người được mời mới biết đó là một ‘hội thảo’ lôi kéo tham gia đa cấp – mà nhân đây cũng phải nói thêm, là ‘đa cấp’ rất thích màu mè hào nhoáng, người tham gia thì luôn đóng bộ vest hoặc váy công sở thật chỉnh tề, còn các buổi nói chuyện thì được coi là hội nghị, hội thảo…

Nói chung, với kinh nghiệm buôn bán một thời gian ở lĩnh vực mỹ phẩm, tôi thấy rằng những gì ‘đa cấp’ rao giảng thực tế rất thiếu hiệu quả. Họ luôn khẳng định những người được chọn vào hàng ngũ đều rất tinh túy, giỏi giang, và nếu chưa giỏi thì sau một thời gian được ‘khai phá’ năng lực thì sẽ tiến bộ… Nhưng cuối cùng, tất cả ai dễ tin đều có thể tham gia bán ‘đa cấp’, từ người bán rau, bà trông xe thất nghiệp… Vậy suy nghĩ một cách đơn giản, người cần mua hàng ‘đa cấp’ sẽ chẳng dại gì bỏ tiền ra mua lại sản phẩm từ người bán để mất các khoản phí hoa hồng trung gian, thay vào đó, họ đăng ký trực tiếp làm người bán luôn để được lấy hàng với ‘giá gốc’, và chỉ phục vụ mục đích sử dụng mà thôi. Thế thì còn bán được cho ai nữa? Những người tham gia, hóa ra trở thành người bỏ tiền mua sản phẩm mà thôi!

Chưa hết, vì mờ mắt với cơ chế lôi kéo càng nhiều người vào hệ thống đa cấp thì càng được nhiều tiền, những người bán hàng kiểu này chẳng tập trung nhiều vào việc bán sản phẩm, thay vào đó, họ thường dành nhiều công sức mời gọi người khác tham gia bán ‘đa cấp’ cùng mình. Thật ngộ nghĩnh, buôn bán kinh doanh kiểu gì mà càng thấy có nhiều người bán – người cạnh tranh trực tiếp với mình – mà lại càng mừng? Chỉ vậy thôi là đã thấy khó có thể phát triển thực chất ở bên trong rồi.

Theo tôi, nếu thực sự muốn kinh doanh, thì đừng nên tiếc vốn đầu tư và sự nỗ lực bản thân, để tạo ra bản sắc riêng, chứ còn hy vọng ‘không mất tiền’ và chỉ cần ‘buôn nước bọt’ là thành công thì thật sai lầm! Nhất là khi nhiều người tham gia đa cấp bị mất cả đống tiền sau khi lún vào sâu hơn”.
Clip một nhóm học viên trong câu lạc bộ "làm giàu" hô hào kiểu đa cấp gây xôn xao mạng:

* Chị N.T.L (33 tuổi, nhân viên văn phòng): Suýt tham gia đa cấp, nhưng kịp dừng lại và thấy mặt trái

“Nhắc tới ‘đa cấp’, tôi có kỷ niệm không thể nào quên. Đó là khi tôi mới đi làm, vẫn còn ít va chạm và bản thân vốn là người không thực sự tự tin vào khả năng kinh doanh, giao tiếp.

Khi đó, dịch vụ chat Yahoo! Messenger vẫn còn phổ biến, tôi tình cờ được giới thiệu với một anh chàng hơn mình vài tuổi, là phó phòng ở một cơ quan nhà nước hẳn hoi.

Ban đầu tôi có ấn tượng rất tốt với anh ta, vì vừa quen, anh ấy đã hỏi han, bày tỏ sự quan tâm rất nhiệt tình, tất cả đều không dính gì tới công việc cả. Sau một thời gian trò chuyện qua Yahoo! Messenger, anh ta đề nghị hẹn gặp để… đi uống café, nhưng lạ là lại bảo nếu tôi có bạn nào nữa thì rủ đi cùng cho vui.

Khi tới gặp trong quán cafe, người đàn ông này chỉ trò chuyện được vài câu rồi nhanh chóng ‘vào chủ đề chính’, rằng ‘anh thấy các em rất có tiềm năng song chưa tự khám phá ra…’

Sau đó, anh ta dẫn hai chúng tôi vào một hội thảo tổ chức ngay gần đó. Tại hội thảo này, đứa con gái nhút nhát, tự ti là tôi được cung cấp cả mớ thông tin trên mây, nào là cơ hội để thay đổi cuộc sống và các mối quan hệ, nào là bao nhiêu người đã thành công, rạng rỡ lên sân khấu nhận hoa và phần thưởng, nào là hứa hẹn ‘mất thì chẳng mất gì, được thì được tất cả’…

Vậy là khi về, tôi quyết tâm cao độ để bước chân vào con đường kinh doanh ‘tuyệt diệu’ vừa được chia sẻ, với hy vọng thay đổi tất cả.

Nhưng gia đình tôi – với những người đã va chạm dày dạn – thì cực lực phản đối khi biết tôi có ý định tham gia vào hệ thống bán sản phẩm ‘đa cấp’. Nhưng những lời khuyên nhủ đó chỉ có tác dụng làm tôi phân vân, chứ chưa từ bỏ ngay ý định ban đầu.

Cho tới khi gặp một số người bạn thân, tôi kể cho họ về kế hoạch nói trên, và bất ngờ khi họ cũng khuyên can tôi, vì chính người thân của họ từng tham gia và đã phải thất vọng vì tin vào những lời hoa mỹ ban đầu.

‘Tiền mất, tật mang’ là kết luận tôi ghi nhận được sau khi tham khảo hàng loạt ‘tấm gương’ đi trước. Vậy là tôi quyết định từ bỏ kế hoạch đa cấp của mình.

Khi thông báo qua Yahoo! Messenger cho anh chàng dẫn dụ kể trên, thật bất ngờ, anh ấy bốc máy di động gọi ngay cho tôi, hết lời khuyên can đừng mất lòng tin, rồi hãy tin tưởng… Không thể tin được, anh ta gọi điện thoại di động và nói chuyện thuyết phục tôi tới 45 phút đồng hồ, dù tôi liên tục cười trừ và xin rút.

Chưa dừng lại ở đó, liên tục những ngày sau, anh ta dai như ‘đỉa bám’, gọi không ngừng và mỗi ngày lại gọi điện nói lâu hơn, trung bình gần một tiếng mỗi ngày, khiến tôi vô cùng hoang mang trước sự nhiệt tình quá mức đó.

Sau một thời gian nhận thấy không thể lay chuyển được quyết định của tôi, mà hẹn gặp cũng không được, bất ngờ anh ta quay ngược 180 độ, ra giọng đe dọa và xúc phạm tôi. Anh ta nói rằng đã mất phí 200.000 đồng mua hồ sơ cho tôi, và cũng đã cho tôi cầm một số tài liệu, ‘giờ có chết cũng phải đòi lại được tất cả thứ đó’.

Do bị đeo bám quá quyết liệt, nên tôi đành phải chuyển khoản trả cho anh ta 200.000 đồng và gửi chuyển phát bưu điện số tài liệu ban đầu được anh ta ‘khuyến mãi’. Một thời gian dài sau đó, tôi vẫn chưa hết sốc và cảm thấy hết sức bất bình khi chứng kiến những người bán hàng đa cấp luôn tận dụng mọi mối quan hệ của họ để phục vụ mục tiêu kinh doanh của mình, cũng như đeo bám dai dẳng tới khó chịu.

Một điều tôi rút ra được là ‘đa cấp’ vẫn dụ dỗ được nhiều người vì họ thường nhắm tới các đối tượng ít kinh nghiệm sống, lại mong làm giàu nhanh như sinh viên, người mới đi làm hay bà con nông dân. Vì thế mà họ ‘tẩy não” dễ dàng hơn, trong khi cộng đồng bán hàng đa cấp thì luôn như ‘lên đồng’, nghĩ mọi người xung quanh đều thấp kém và chỉ có họ mới thực sự là tinh túy, đỉnh cao, biết làm giàu…”

Những buổi "hội thảo" hô hào và "truyền đạt kinh nghiệm" khiến không ít người tham gia hệ thống đa cấp bị "tẩy não" và tận dụng mọi quan hệ để mời chào

* Chị N.V.P (32 tuổi, nhân viên văn phòng): Tham gia được một năm, bỏ giữa chừng vì không đủ thời gian và kiên nhẫn

“Tôi từng tham gia bán hàng đa cấp được một năm, song sau đó phải bỏ dở giữa chừng vì không đủ thời gian và kiên nhẫn.

Cá nhân tôi cho rằng hệ thống đa cấp mà tôi đã tham gia không phải là lừa đảo, vì tôi tìm hiểu rất kỹ và thấy rằng cơ chế áp dụng rất minh bạch. Nhưng hiện nay, tôi thấy rất nhiều công ty cung cấp hệ thống đa cấp theo kiểu lừa đảo, khiến người tham gia chỉ có mất tiền mà không được lợi ích gì. Tôi nghĩ, để phân biệt thì mỗi người phải có cách tìm hiểu của riêng mình, xem bản chất hoạt động và thông tin mà đích thân công ty cung cấp như thế nào. Đừng nhìn và nghe những lời giới thiệu của người khác, mà phải nhìn thẳng vào bản chất công ty và loại hình dịch vụ, sản phẩm của họ.

Dù sao, tôi cũng thừa nhận bán hàng đa cấp là khó, rất khó chứ không dễ xơi như những lời quảng bá đâu. Trong thời gian tham gia, chủ yếu tôi nhận hàng về để gia đình dùng chứ không bán được mấy.

Nói về chuyện ‘tẩy não’, tôi thừa nhận là nhiều người tham gia đa cấp bị như vậy, vì khi họ là những sinh viên, người thất nghiệp… sự va chạm trong cuộc sống của họ còn rất thiếu, nên lúc được tiếp cận nhiều thông tin mới, họ gần như trở thành con người khác, với những suy nghĩ phiến diện, một chiều, thái quá…

Tôi cho rằng bản chất ‘đa cấp’ không xấu, nhưng cái xấu là sự tư lợi, vụ lợi, suy nghĩ muốn làm giàu nhanh bất chấp tất cả của số đông tham gia đa cấp. Đó cũng là điểm nhược của đa cấp vì tiếp nhận những người như vậy. Chính họ làm biến tướng thông tin, hình ảnh của mô hình ‘đa cấp’, chưa kể nhiều công ty còn lợi dụng mô hình này để bán những thứ vô giá trị với số tiền cắt cổ.

Tôi hy vọng sau này, cơ chế quản lý siết chặt hơn, các công ty đa cấp phải minh bạch hơn trong cách hoạt động của mình, thì từ đó mới mong không còn những công ty lừa đảo, những con người vụ lợi làm xấu hình ảnh của ‘đa cấp’ và khiến cộng đồng tẩy chay”.