Những góc nhìn không thiện cảm với bảo hiểm nhân thọ

ANTD.VN - Tuyển dụng dễ dãi, buông lỏng đào tạo đại lý, chất lượng tư vấn viên là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất niềm tin của khách hàng vào bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.

Nhiều tranh chấp xảy ra khiến người dân có cái nhìn không thiện cảm với bảo hiểm nhân thọ

Tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn rất lớn khi tỷ lệ người có bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số, trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này có thể lên tới 90%. Dư địa phát triển quá lớn khiến cuộc đua tranh thị phần trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tuyển đại lý ồ ạt mà buông lỏng đào tạo, quản lý dẫn đến những tranh chấp phát sinh giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, khiến hình ảnh bảo hiểm nhân thọ có phần trở nên méo mó tại Việt Nam.

Đại lý “ăn xổi”, đôi bên cùng thiệt 

Ký hợp đồng bảo hiểm với một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn từ tháng đầu năm 2017, đến tháng 4-2017, chị N.T.H. (Hà Nội) đến bệnh viện khám và được bác sĩ tư vấn cắt amidan. Tuy nhiên, khi mang hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thanh toán chi phí phẫu thuật và nằm viện thì chị mới ngã ngửa vì công ty từ chối thanh toán, với lý do bệnh của chị thuộc trường hợp loại trừ vì đây là “bệnh có sẵn”.

Chị N.T.H. thắc mắc với nhân viên bảo hiểm rằng trong hồ sơ bệnh án của chị không hề gì có tiền sử viêm amidan, trong tờ khai sức khỏe khi ký hợp đồng bảo hiểm của chị cũng không ghi có bệnh này thì nhân viên ở đây giải thích: Trong hồ sơ bệnh án ghi chị thường xuyên bị ho, sốt cao, đau họng…

Căn cứ vào điều này cho thấy bệnh lý của chị là bệnh có sẵn, do đó bộ phận thẩm định hồ sơ của công ty đã từ chối chi trả bảo hiểm. Điều chị N.T.H. bức xúc là khi ký hợp đồng, nhân viên tư vấn chỉ chăm chăm nói về những quyền lợi mà khách hàng sẽ được hưởng còn về những trường hợp loại trừ, không thanh toán thì chỉ nói qua loa. 

“Hiện số đại lý bảo hiểm nhân thọ gần 500.000 người, trong khi tổng số hợp đồng khai thác mới cũng chỉ 1,4 triệu, tổng số phí 17.000 tỷ đồng. Chia cho số đại lý trên là quá thấp. Năng suất đại lý thấp, thu nhập không ổn định nên họ ra vào là đương nhiên. Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự dễ dãi trong việc tuyển dụng đại lý nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển “nóng” của bảo hiểm. Điều kiện làm đại lý dễ quá, chỉ cần học 5 ngày được cấp chứng chỉ là trở thành đại lý.

Ông Phùng Đắc Lộc, (Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam)

Trường hợp phát sinh tranh chấp sau khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như chị N.T.H. khá phổ biến từ khi loại hình bảo hiểm này xuất hiện tại Việt Nam. Nhiều khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu các điều khoản hợp đồng mà chủ quan tin người quen, giao hết cho đại lý thực hiện.

Đến khi trục trặc xảy ra như muốn chấm dứt hợp đồng, không thanh toán được do chưa đủ thời hạn chờ, do rơi vào các trường hợp loại trừ… khách hàng sẽ chịu thiệt. Vì trong trường hơp này, đại lý dù đã được công ty bảo hiểm ủy quyền nhất định, nhưng đại lý lại không phải là người quyết định cuối cùng, mà là công ty bảo hiểm. 

Một nhân viên tư vấn bán bảo hiểm cho biết, trước đây nhiều lúc muốn bỏ nghề vì cái nhìn không mấy thiện cảm của người khác. Ở nước ngoài, khách hàng tự thấy cần thiết và tìm đến bảo hiểm, còn ở Việt Nam, khách hàng chưa có nhiều nhận thức về bảo hiểm nên buộc nhân viên tư vấn phải tìm đến khách hàng.

Có khi ngày gọi 10 cuộc điện thoại thì may ra có 1 người chịu nói chuyện sau khi nghe giới thiệu mình làm ở công ty bảo hiểm. Có người từ chối khéo còn đỡ, có người còn mắng xối xả là lừa đảo, là đa cấp. Thế nên cứ người nào chịu nghe mình nói là đã cảm ơn họ lắm rồi, chứ ký được hợp đồng lại là câu chuyện dài khác”.

Tình trạng trên dẫn đến tâm lý chán nản, vì hầu hết những người tham gia bán bảo hiểm chỉ coi đây là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập chứ ít ai có ý định gắn bó lâu dài. Nhiều đại lý, tư vấn viên chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng ký được hợp đồng để hưởng hoa hồng. Rồi sau khi mời hết người thân, người quen ký được hợp đồng, thấy khó khăn quá thì họ bỏ” - một nhân viên tư vấn bán bảo hiểm chia sẻ thực tế nghề nghiệp của mình.

Tuyển đại lý, dễ mà không dễ

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đang là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp bảo hiểm. Đặc biệt với đội ngũ đại lý, nhân viên tư vấn, dù số lượng không phải ít nhưng chất lượng lại là vấn đề lớn. Thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, những năm gần đây lực lượng cán bộ và đại lý bảo hiểm tăng lên không ngừng. Nếu như năm 2010 có gần 300.000 đại lý thì năm 2015 tăng lên 562.000 đại lý, trong đó riêng khối nhân thọ đạt gần 485.000 người.

Đáng nói, hiện nay mức độ duy trì đại lý tại thị trường bảo hiểm nhân thọ còn thấp, tỷ lệ đại lý gia nhập và rời khỏi thị trường là tương đương nhau. Trung bình khoảng 50% số đại lý nghỉ việc hoặc chuyển sang doanh nghiệp khác trong 6 tháng đầu năm và đang có xu hướng tăng lên; khoảng 62% đại lý chấm dứt hợp đồng trong 1 năm đầu tiên. Số đại lý duy trì trên 3 năm chỉ 12%.  

“Hiện số đại lý bảo hiểm nhân thọ gần 500.000 người, trong khi tổng số hợp đồng khai thác mới cũng chỉ 1,4 triệu, tổng số phí 17.000 tỷ đồng. Chia cho số đại lý trên là quá thấp. Năng suất đại lý thấp, thu nhập không ổn định nên họ ra vào là đương nhiên”, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, nguyên nhân chính của tình trạng này là sự dễ dãi trong việc tuyển dụng đại lý nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nóng của bảo hiểm. “Điều kiện làm đại lý dễ quá, chỉ cần học 5 ngày được cấp chứng chỉ là trở thành đại lý. Quá trình học thì doanh nghiệp bảo hiểm “bao” hết, từ phòng ở, đi lại, lệ phí học, lệ phí cấp chứng chỉ… thậm chí cả ăn uống”.

Hiện nay, quy định về điều kiện để trở thành đại lý bảo hiểm đã rõ ràng, đại lý phải được đào tạo và được cấp chứng chỉ, cơ sở đào tạo phải được Bộ Tài chính cấp phép. Nghề đại lý bảo hiểm và đào tạo đại lý bảo hiểm là 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nội dung chương trình đào tạo và câu hỏi đề thi đều do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm của Bộ Tài chính ra đề. 

Dù đã có quy định nhưng không ít doanh nghiệp, đại lý chỉ ứng phó, miễn sao để được cấp chứng chỉ để hành nghề. Trong khi thực tế nghề đại lý bảo hiểm đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác mà phải chính doanh nghiệp bảo hiểm mới đào tạo được. Ở nước ngoài, sau khi tuyển dụng đại lý một thời gian, doanh nghiệp sẽ kiểm tra lại, nếu đại lý yếu ở điểm nào doanh nghiệp sẽ đào tạo thêm.

Lời khuyên với người mua bảo hiểm

Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng các công ty bảo hiểm phải nhìn nhận đúng đắn hơn về tầm quan trọng của đại lý bảo hiểm để có chính sách tuyển dụng và đào tạo hợp lý. Đối với khách hàng, khi ký bất kỳ một hợp đồng tài chính nào cũng cần nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng.

Cần cân nhắc nhu cầu bảo hiểm và khả năng chi trả; yêu cầu đại lý bảo hiểm tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, quy tắc và điều khoản bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm mình muốn mua; nghiên cứu thật kỹ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm.

Nếu chưa rõ, cần yêu cầu đại lý bảo hiểm giải thích chính xác các điều khoản trong hồ sơ bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, nhất là các điều khoản đặc thù của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như: điều khoản loại trừ bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, bảng minh họa chi tiết quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm, điều khoản chấm dứt hợp đồng bảo hiểm…

Cần tự khai và khai báo trung thực tình trạng sức khỏe mà công ty bảo hiểm yêu cầu trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. “Người dân thường khó hiểu hết về bảo hiểm, nên hợp đồng bảo hiểm quy định sau 21 ngày ký hợp đồng khách hàng có quyền từ bỏ hợp đồng bảo hiểm. Trong thời gian đó khách hàng có thể tìm kiếm thêm sự tư vấn”, ông Phùng Đắc Lộc nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện vấn đề công khai minh bạch bảo hiểm đã được quy định rõ tại Nghị định 73 của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai các sản phẩm bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và của doanh nghiệp bảo hiểm.

Thêm vào đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định các doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký sản phẩm bảo hiểm với Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ đăng trên cổng thông tin điện tử của mình. Vì vậy, khách hàng hoàn toàn có thể truy cập vào các địa chỉ trên để tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm mà mình muốn tham gia.