Nhờ người khác đứng tên trên "Sổ đỏ": Chớ "gửi trứng cho ác"

ANTD.VN -Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ một số bạn đọc đặt câu hỏi: “Vì nhiều lý do, tôi không thể tự mình đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (thường gọi là “Sổ đỏ”) nên đã nhờ người khác đứng tên. Việc làm này có nhiều tiềm ẩn nhiều rủi ro không, nếu muốn đòi lại tài sản, tôi phải làm gì?”

Theo Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, “Sổ đỏ”  là giấy tờ để Nhà nước xác nhận quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đây có thể là căn cứ để Nhà nước công nhận chủ sở hữu, sử dụng đất.

Người đứng tên trên “Sổ đỏ” được hưởng các quyền lợi: Thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; Được Nhà nước bảo hộ khi có người xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp; Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; Được chuyển đổi, mua bán, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, việc nhờ người khác đứng tên trên “Sổ đỏ” tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người được nhờ có ý định chiếm đoạt tài sản. Vì về mặt pháp lý, đây là tài sản của họ, được Nhà nước công nhận nên họ có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt theo quy định.

Việc nhờ người khác đứng tên trên "Sổ đỏ" tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong trường hợp người được nhờ đứng tên có một nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba và theo quyết định của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ… Khi đó, quyền lợi của người chủ thực sự sẽ không được đảm bảo, thậm chí hoàn toàn mất đi quyền lợi đáng lẽ được hưởng với tư cách là chủ sở hữu của bất động sản. Còn nếu người này qua đời, tài sản đó đương nhiên trở thành di sản của họ và được chia thừa kế theo quy định;

Nếu tài sản đó được hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì khi ly hôn, đây được xác định là tài sản chung của 2 vợ chồng và sẽ được chia theo quy định.

Hơn nữa, xét theo góc độ pháp lý, việc nhờ người khác đứng tên trên "Sổ đỏ" là trái với quy định của pháp luật. Vì những lý do trên, để bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân không nên nhờ người khác đứng tên "Sổ đỏ".

Đối với những trường hợp đã thực hiện, hai bên phải tiến hành thỏa thuận về việc sang tên "Sổ đỏ" để tài sản trở về thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người chủ thực sự.

Nếu không thể thỏa thuận được, để có thể đòi lại tài sản, chủ sở hữu có thể khởi kiện đòi tài sản kèm theo đầy đủ bằng chứng chứng minh “Sổ đỏ” thuộc quyền sở hữu của mình: Văn bản thỏa thuận, giấy cam kết…về việc nhờ đứng tên và phải có người làm chứng. Tuy vậy, điều này sẽ mất khá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức, thậm chí người sở hữu tài sản thực sự có nguy cơ mất trắng - Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Còn về nghĩa vụ tài chính khi làm "Sổ đỏ", Luật sư Lê Hồng Vân cho biết, một trong những khoản tiền người dân phải nộp là tiền sử dụng đất.

Khoản 1 Điều 63 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai quy định về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất nêu rõ, tùy vào từng hình thức được cấp Giấy chứng nhận mà người dân phải nộp các khoản tiền như tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận.

Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất không thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì được nhận Giấy chứng nhận ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp.