Nhiều địa phương "đi chệch hướng" trong phòng, chống sốt xuất huyết

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) ưa nước sạch nên việc phát động các chiến dịch phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh để phòng SXH là “đi chệch hướng”.

Chiều 24-7, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ và SXH. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện tại, dịch SXH đang gia tăng mạnh trên phạm vi cả nước, dự báo có thể đạt đỉnh dịch cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. 

Một tuần 2 người tử vong

Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện 28 bệnh viện đa khoa của thành phố đều có bệnh nhân SXH vào điều trị, các Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa có lượng bệnh nhân đông nhất. Chỉ tính riêng tuần qua (từ ngày 17 đến 23-7), toàn thành phố đã ghi nhận thêm 1.389 bệnh nhân mắc SXH, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Bệnh nhân tử vong thứ nhất là một người đàn ông 51 tuổi, lao động tự do, cư trú tại phố Đào Tấn, phường Cống Vị, Ba Đình, có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, rung nhĩ.

Bệnh nhân mắc bệnh ngày 8-7, vào Bệnh viện Vinmec ngày 10-7 rồi chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 12-7. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não, SXH Dengue nặng. Do bệnh nguy kịch, tiên lượng khó qua khỏi nên gia đình bệnh nhân xin ra viện chiều 13-7, 23h cùng ngày thì bệnh nhân tử vong.

Trường hợp tử vong thứ hai cũng là nam giới, 54 tuổi, lao động tự do, cư trú tại Trương Định, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 23-6, vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương ngày 28-6, chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn/ viêm phổi/ SXH Dengue nặng. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân tử vong ngày 13-7. 

Trước thực trạng trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch SXH nhằm kìm hãm sự gia tăng số ca mắc, đồng thời yêu cầu các bệnh viện tổ chức tốt công tác khám sàng lọc, điều tiết bệnh nhân hợp lý để có cơ số giường bệnh tiếp nhận bệnh nhân SXH, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong.

Tương tự, tại TP.HCM, số mắc SXH cũng đang tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định, năm nay là năm mà dịch SXH bùng phát mạnh và có thể kéo dài tới năm 2018. Kinh nghiệm cho thấy, cứ khoảng 10 năm dịch SXH ở nước ta lại bùng phát lớn một lần, vì thế, năm 2017- 2018 sẽ có đỉnh dịch SXH ở mức cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Lo ngại lây truyền chéo SXH trong bệnh viện

Một thực trạng khá lo ngại hiện nay là có nhiều bệnh nhân SXH dồn lên tuyến cuối gây quá tải ở các bệnh viện đầu ngành, làm gia tăng nguy cơ biến chứng nặng. Phát biểu tại hội nghị chiều 24-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảnh báo, nếu không sàng lọc, phân loại bệnh nhân tốt, để bệnh nhân dồn hết lên tuyến trên, sẽ gây ra nguy cơ lây truyền chéo SXH ngay trong bệnh viện. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, 61/63 tỉnh, thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc SXH, trong đó 26 địa phương có số mắc cao hơn so với cùng kỳ 2016. Đáng chú ý, năm nay, mùa nóng sẽ kéo dài hơn do nhuận 2 tháng 6 âm lịch, vì thế, từ nay đến cuối năm, dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, để phòng dịch bệnh này cần những giải pháp quyết liệt hơn nhưng cũng phải “trúng đích hơn”. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra, thời gian qua trong công tác phòng chống dịch SXH nói chung, truyền thông phòng chống SXH nói riêng, ở nhiều địa phương, đơn vị có hiện tượng đi chệch hướng. Cụ thể, trong công tác truyền thông mới chỉ tập trung vào số lượng ca mắc, ca tử vong mà chưa chú ý đúng mức vào công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh.

“Muỗi truyền bệnh SXH là loại muỗi ưa nước sạch, thường đốt người vào buổi sáng…; do đó, biện pháp diệt muỗi hiệu quả nhất là cần phải úp ngược các chum, dụng cụ đựng nước, diệt loăng quăng. Tất cả nơi nào đọng nước sạch là có nguy cơ ổ dịch. Cần diệt loăng quăng, sau đó diệt muỗi.

Thế nhưng, nhiều nơi vẫn tập trung phát động các chiến dịch phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, đây là những giải pháp giúp diệt muỗi truyền bệnh viêm não chứ không phải diệt muỗi truyền SXH. Tương tự, nếu chỉ tập trung vào phun muỗi phòng SXH thì chỉ 2 tuần sau muỗi lại nở, lại có nguy cơ lây lan dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. 

“Chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện không được để bệnh nhân SXH nằm ghép, quá tải, muốn vậy, phải phân tuyến kỹ thuật, phân loại bệnh rõ ràng, ca bệnh nặng thì tập trung vào cấp cứu còn những ca nhẹ có thể chuyển xuống tuyến dưới. Chẳng hạn, tại Hà Nội, các bệnh viện của thành phố như Đống Đa, Thanh Nhàn… có thể xử lý, điều trị được những bệnh nhân SXH độ 1, độ 2, vậy tại sao lại để tất cả nằm ghép với nhau ở bệnh viện tuyến trên? Để quá tải bệnh viện như vậy thì điều dưỡng không thể theo dõi được người bệnh nặng hàng giờ, sẽ dễ xảy ra tai biến, tỷ lệ tử vong cao, gây hoang mang”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến