Nhập nhèm đồ chơi trẻ em

(ANTĐ) - Một trong những ngày các em nhỏ mong đợi nhất trong năm là Tết Thiếu nhi 1-6. Với các bậc phụ huynh, để chọn được một món quà có ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần trong dịp này quả không dễ chút nào bởi giữa một “rừng” đồ chơi được bày bán tràn lan như hiện nay thì không phải món đồ chơi nào cũng phù hợp và an toàn...

Nhập nhèm đồ chơi trẻ em

(ANTĐ) - Một trong những ngày các em nhỏ mong đợi nhất trong năm là Tết Thiếu nhi 1-6. Với các bậc phụ huynh, để chọn được một món quà có ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần trong dịp này quả không dễ chút nào bởi giữa một “rừng” đồ chơi được bày bán tràn lan như hiện nay thì không phải món đồ chơi nào cũng phù hợp và an toàn...

Đau đầu vì chọn đồ chơi cho con

Khảo sát tại các phố Hàng Lược, Lương Văn Can, Hàng Mã… chúng tôi bắt gặp không ít bậc phụ huynh đi chọn mua quà cho con. Chị Nguyễn Quỳnh Loan, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng than thở: “Thị trường đồ chơi cho bé năm nào cũng vậy, đa phần là hàng Trung Quốc, từ đồ chơi gỗ đến đồ chơi nhựa, nên tôi rất khó lựa chọn được món đồ chơi ưng ý. Tôi muốn tặng cho con mình những món đồ chơi kích thích trí tuệ, chứ không phải những món đồ mang tính bạo lực. Năm ngoái, cô bạn tôi đã phải đưa con đi cấp cứu do cháu chơi đồ chơi rồi bị ngộ độc. Có lẽ, tôi sẽ tìm mua những thứ thiết thực và an toàn hơn như: quần áo, hay món đồ chơi xếp hình sản xuất trong nước, giúp cháu tăng khả năng sáng tạo...”.

Trẻ em háo hức với đồ chơi nhiều màu sắc

Trẻ em háo hức với đồ chơi nhiều màu sắc

Theo ghi nhận của chúng tôi, dường như những khu phố được coi là “vương quốc” đồ chơi trẻ em này đã lên kế hoạch hàng tháng trước đó để đón trước nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Thiếu nhi. Có thể nói, phần lớn các món đồ chơi được bày bán tại đây có xuất xứ từ Trung Quốc, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, ngay cả người bán cũng không thể nhớ hết tên gọi của từng món hàng.

Năm nay, các nhân vật trong các bộ phim hoạt hình: “Siêu nhân Gaoranger”, “Siêu nhân sấm sét”, “Gia đình phép thuật”… sử dụng binh khí, dụng cụ, phụ kiện gì thì trên thị trường đều có sản phẩm, đồ chơi đó ăn theo. Các loại robot trái cây, siêu nhân Benthen, búp bê Babie, búp bê thiên thần… cũng được nhiều bé yêu thích. Giá các mặt hàng này được người bán “nhìn mặt đọc giá” với người mua. Robot trái cây có giá 65.000 đồng/con, siêu nhân Benthen giá 80.000 đồng/bộ (3 siêu nhân), búp bê Babie loại nhỡ giá 70.000 đồng/bộ, búp bê thiên thần (3 búp bê) 120.000 đồng/bộ.

Trong vai khách hàng, chúng tôi được một chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Lương Văn Can hồ hởi cho biết: “Có lục tung cả dãy phố này em cũng không thể tìm mua được đồ chơi “hợp mốt” của trẻ em xuất xứ của Việt Nam đâu, vì hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất chủ yếu là đồ chơi trí tuệ bằng gỗ, nhựa. Khi chọn hàng đừng tin vào “tem CR”.  Ngay cả tem CR, tem chống hàng giả, em muốn dán bao nhiêu chị cũng dán cho hết. Chị có cả đống để trong kho...”.

Quy định vẫn chỉ là quy định

Không chỉ trên các phố, chợ trung tâm bán đồ chơi trẻ em mà kể cả các nhà sách, siêu thị, cửa hàng dành cho bé… vẫn tràn ngập đồ chơi xuất xứ Trung Quốc. Tuy đồ chơi trẻ em ở đây có chọn lựa hơn, song cũng chỉ theo “cảm quan” của người bán hàng mà không hề có tiêu chuẩn nào.

Được biết, ngày 15-4-2010 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ KH&CN ban hành có hiệu lực. Theo đó, các loại đồ chơi trẻ em đều phải được kiểm soát chất lượng và có dấu hợp quy (tem CR), doanh nghiệp chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em khi có dán tem chất lượng của Bộ KH&CN, tất cả các loại đồ chơi trẻ em sẽ phải kiểm tra các chất ô nhiễm, độ pH, dung dịch, formaldehyde trong các vật liệu bằng gỗ, vải, nhựa...

Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Các quy định về cảnh báo nêu trong các tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa. Những loại đồ chơi trẻ em không có tem CR sẽ bị xử phạt theo Nghị định 54, với mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng. Song đa phần các sản phẩm lưu hành trên thị trường hiện nay không có nhãn bằng tiếng Việt ghi rõ khuyến cáo khi sử dụng, cũng như sản phẩm dành cho trẻ ở từng lứa tuổi…

Có thể nói, với trẻ em, đồ chơi là một phần không thể thiếu và có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ làm quen với cuộc sống. Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra do sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm, không an toàn, thậm chí ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tích cực hơn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh mặt hàng đặc thù này.

Chưa được quan tâm đúng mức

Ở nhiều nước trên thế giới, các tiêu chí an toàn, chức năng bảo vệ sức khỏe, định hướng giáo dục, trí tuệ trong các sản phẩm dành cho trẻ em rất được quan tâm. Mặc dù Việt Nam đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, bao gồm những quy định rất cụ thể nhưng chất lượng, an toàn của các sản phẩm đồ chơi trẻ em tiêu thụ trên thị trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức và dường như vẫn bị xem nhẹ.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định về quyền của người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng... mà các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Trong trường hợp hàng hóa đó gây hại cho người sử dụng, người tiêu dùng có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện đến tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà

(Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B)

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

Về cơ bản, việc dán tem CR trên các sản phẩm đồ chơi trẻ em chưa phản ánh được thực chất hàng hóa đó đảm bảo chất lượng và đủ điều kiện lưu hành trên thị trường hay không. Đa phần những mặt hàng đồ chơi đang bày bán tại các phố, cửa hàng đồ chơi trên thị trường Hà Nội đều có xuất xứ từ Trung Quốc và trong số đó có không ít những mặt hàng được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. Để hạn chế loại hàng hóa này lưu thông trên thị trường, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ngay từ khi hàng hóa được vận chuyển qua biên giới.

Bởi khi hàng hóa về đến Hà Nội và được phân phối nhỏ lẻ sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong vấn đề kiểm tra, xử lý. Mặc dù, vừa qua Đội QLTT số 14 cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý một số cửa hàng bày bán những loại đồ chơi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, song cũng chỉ là những cửa hàng kinh doanh nhỏ. Hiện Đội QLTTT số 14 đang có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra trên diện rộng để có những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.

Ông Hoàng Đại Nghĩa

(Đội trưởng Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội)

Ngọc Bảo