Nhận định đề thi Lịch sử – Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

ANTD.VN - Sáng 24-6, các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2017 tiếp tục làm các bài thi của khối Khoa học xã hội, là: Lịch sử, Địa lí và Giáo dục Công dân. Thời gian thi mỗi môn là 50 phút, theo hình thức trắc nghiệm. Báo điện tử ANTĐ xin giới thiệu tới độc giả phần nhận định đề thi môn Lịch sử từ chuyên gia.

Theo nhận định của Tổ Lịch sử thuộc Hệ thống giáo dục hocmai.vn, đề thi môn Lịch sử năm nay xuất hiện nhiều dạng bài mới, chủ đề quen thuộc, tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực.

Thí sinh thi môn Lịch sử năm nay chuyển sang hình thức trắc nghiệm, thay vì tự luận như trước

Cụ thể, năm 2017 là năm có nhiều sự biến đổi của kì thi THPT Quốc gia nói chung, trong đó đặc biệt có môn Lịch sử nói riêng. Theo đó, bài thi môn Lịch sử sẽ chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm với 40 câu và thời gian làm bài 50 phút. Đây có lẽ sẽ là trải nghiệm đầu tiên, khác lạ của lứa học sinh sinh năm 1999.

=> Về phạm vi và nội dung đề thi: Đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình SGK Lịch sử 12, các vấn đề và nội dung câu đều không có gì xa lạ với học sinh và bao gồm hai phần Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời, đề cũng có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó, bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài.

=> Về độ khó và sự phân bổ kiến thức: Việc điều chỉnh hình thức thi, thời gian thi, nội dung của kì thi THPT Quốc gia năm 2017 so với các năm trước kéo theo việc điều chỉnh lại cấu trúc đề thi/độ khó của đề thi môn Lịch sử, có độ phân hóa, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch nhưng học sinh sẽ bị áp lực về mặt thời gian.

Sự phân bổ số lượng câu hỏi giữa hai mảng Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam cũng vẫn tương tự như các đề hằng năm (28 câu Lịch sử Việt Nam và 12 câu Lịch sử thế giới). Mức độ phân bổ độ khó/dễ cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản, các câu còn lại có độ khó tăng dần dùng để phân loại thí sinh.

=> Đề thi năm nay có sự xuất hiện dạng bài mới là trích dẫn các văn bản lịch sử: Ví dụ câu 7, 10 mã 310, không thấy xuất hiện lại dạng sắp xếp các sự kiện như dạng thức đề minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời các câu hỏi có tính thời sự vẫn có mặt như câu hỏi về xu thế toàn cầu hóa (câu 37 mã 310); vấn đề quan hệ quốc tế trong giai đoạn sau kết thúc chiến tranh lạnh như câu 29 mã 301. Tuy nhiên, các chủ đề xuất hiện trong đề không mới.

Nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo, cách ra đề cũng hạn chế những câu hỏi ở mức học thuộc lòng, góp phần thay đổi dần cách nhìn của xã hội đối với môn Lịch sử.