Nhận diện một số lỗ hổng pháp lý

ANTĐ - Luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) gửi đến Báo ANTĐ bài viết phản ánh góc nhìn pháp lý về hoạt động kinh doanh đa cấp hiện nay.

Nhận diện một số lỗ hổng pháp lý ảnh 1

Nhiều rủi ro cho nhà đầu tư

Kinh doanh theo phương thức đa cấp (gọi tắt là kinh doanh đa cấp) là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinLuật sư Trịnh Anh Dũng

h doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng. 

Đây là phương thức kinh doanh đã được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia từ nhiều năm qua. Tuy nhiên phương thức kinh doanh này chứa đựng nhiều rủi ro cho người tham gia bán hàng đa cấp (nhà đầu tư). Bởi lẽ, giá bán lẻ hàng hóa kinh doanh đa cấp mà nhà đầu tư phải mua luôn cao hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất hàng hóa đó. Phần chênh lệch được doanh nghiệp bán hàng đa cấp sử dụng một phần để trả cho người bán hàng các lợi ích đa cấp. Vì thế, nếu doanh nghiệp đa cấp bị phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động, thì nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại rất lớn khi phải bán hàng hóa kinh doanh đa cấp với giá thấp hơn theo giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường. 

Lường trước được những rủi ro này, nhằm quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh đa cấp, từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2005/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và sau đó ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định số 110/2005/ NĐ-CP. Đồng thời, các bộ liên quan cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết. 

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp đa cấp phải là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp; có vốn pháp định tối thiểu là 10 tỷ đồng. Hàng hóa kinh doanh đa cấp phù hợp với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; có đủ điều kiện kinh doanh hoặc được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trong trường hợp kinh doanh hàng hóa kinh doanh có điều kiện…

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong các công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp. 

Trong thời gian qua, hàng loạt lãnh đạo các doanh nghiệp đa cấp như Công ty đa cấp Liên kết Việt, Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy...  bị CQĐT khởi tố về các hành vi kinh doanh trái phép và/hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền huy động và chiếm đoạt của nhiều nhà đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Khi bị khởi tố, tiền mặt và hàng hóa của các công ty đa cấp này đều ở tình trạng không còn hoặc còn rất ít, đẩy các nhà đầu tư vào tình trạng mất vốn, nợ nần. Việc một số doanh nghiệp đa cấp lừa đảo các nhà đầu tư không chỉ gây thiệt hại cho chính các nhà đầu tư, gây tình hình bất ổn về kinh tế, xã hội, mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín và khả năng phát triển của các doanh nghiệp đa cấp uy tín và kinh doanh nghiêm chỉnh khác. 

Bịt những lỗ hổng pháp lý

Căn cứ vào thực trạng nêu trên, chúng tôi nhận thấy rằng, tuy Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức kinh doanh đa cấp, nhưng vẫn còn rất nhiều lỗ hổng pháp lý để doanh nghiệp đa cấp “lách” nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư. Cụ thể: 

Một là, doanh nghiệp đa cấp chỉ phải nộp số tiền ký quỹ rất ít theo quy định của pháp luật (5% vốn điều lệ đăng ký), nhưng lại được quyền huy động tài chính không hạn chế từ các nhà đầu tư, nên khi bị giải thể, phá sản hoặc những người quản lý doanh nghiệp đa cấp bị bắt, khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phần lớn các nhà đầu tư sẽ bị rơi vào hoàn cảnh mất toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp. 

Hai là, tuy pháp luật có quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong các công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn, nên trên thực tế, các công tác này có dấu hiệu bị coi nhẹ, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp sau khi doanh nghiệp đa cấp được thành lập bị thả lỏng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đa cấp đưa ra những chiêu trò lừa đảo, đánh vào lòng tham của nhà đầu tư nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của họ. 

Để bịt những lỗ hổng, tồn tại pháp lý nêu trên, theo quan điểm của tôi, về pháp lý Nhà nước nên kiện toàn các nội dung sau: Trước hết, cần bổ sung quy định bắt buộc về bảo lãnh ngân hàng đối với các khoản tiền mà doanh nghiệp đa cấp huy động của nhà đầu tư. Nếu có quy định này thì hoạt động kinh doanh đa cấp không chỉ chịu sự quản lý, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà còn chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng bảo lãnh. Khi đó, doanh nghiệp đa cấp chỉ huy động được tài chính của nhà đầu tư khi hoạt động này thực sự minh bạch và đúng pháp luật. Do đó, tiền và tài sản của các nhà đầu tư cũng được đảm bảo tuyệt đối và uy tín của doanh nghiệp đa cấp cũng được nâng cao. 

 Bên cạnh đó, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp.