Nguyên tắc vàng tránh ngộ độc rượu

ANTD.VN - Ngộ độc rượu đôi khi dẫn đến tình trạng nhiễm độc nhất thời nhưng nó cũng có thể gây tử vong do những biến chứng khó lường. Vậy đâu là cách xử trí và giải pháp phòng tránh?

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu gây chết người liên tiếp xảy ra. Ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác. Tình trạng này biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như: nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp có thể tử vong nếu không được cấp cứu. 

Ngộ độc rượu có thể do uống phải rượu giả, rượu có chứa methanol hoặc uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác) có chứa các độc tố. Đáng chú ý, tình hình sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng, rượu pha cồn, vượt quá hàm lượng cho phép và nguy hiểm hơn cả là rượu có chứa methanol, được pha chế từ cồn công nghiệp cũng diễn biến phức tạp.  

Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Methanol sẽ chuyển hóa thành những chất này gây ngộ độc cho gan, viêm gan nhiễm độc, gây ngộ độc cho thận dẫn tới suy thận cấp. Triệu chứng nhiễm độc có thể xuất hiện chậm sau 18 đến 24 giờ, bao gồm: đau đầu, nhìn lờ mờ, buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Trường hợp nặng có thể hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.

Khi phát hiện trường hợp bị ngộ độc rượu, cần tìm cách gây nôn, càng nhiều càng tốt. Cho nạn nhân uống sữa nóng, trà đặc. Cởi khuy áo cổ, dây thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, mọi người cần nắm rõ nguyên tắc phòng ngừa ngộ độc rượu như sau:

- Không uống quá nhiều rượu (<30 ml/người/ngày nồng độ từ 30 độ trở lên/ngày).

- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,05% vì gây mù mắt và tử vong cao.

- Không uống rượu khi: Không biết đó là nước gì; Rượu không rõ nguồn gốc; Khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng; Rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền; Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá, hay những rượu ngâm theo theo kinh nghiệm cá nhân.

- Cấm trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia; cấm người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) uống rượu hoặc các loại nước uống có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên.

Tóm lại, để đề phòng ngộ độc rượu, người tiêu dùng nên chọn loại có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng và chỉ uống khoảng 30ml, vừa ăn vừa uống là tốt nhất.