Nguy cơ sinh non vì viêm nhiễm phụ khoa

ANTD.VN - Trong thời gian phụ nữ mang thai, “vùng kín” thường rất nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng. Viêm nhiễm âm đạo nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn tới nguy cơ vỡ ối sớm, đẻ non hoặc thậm chí là sảy thai.

20% phụ nữ mang thai bị viêm nhiễm phụ khoa

Đang mang thai ở tuần thứ 17, chị Trần Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn có cảm giác khó chịu tại “vùng kín”. Lúc nào chị cũng thấy ngứa như kiến đốt, khí hư ra nhiều bất thường. Chị Trần Thị Trang đi khám phụ khoa và được chẩn đoán viêm âm đạo. Được bác sĩ kê đơn thuốc nhưng chị Trang phân vân chưa dám uống vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi. 

Bàn về việc thai phụ thường có xu hướng trì hoãn chữa bệnh do lo  lắng cho sự an toàn của em bé trong bụng, Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Trong thời gian mang thai có khoảng 20% phụ nữ bị viêm nhiễm âm đạo. Nguyên nhân là do sự tăng đột biến các loại hormone. Những trường hợp sản phụ bị viêm nhiễm được bác sĩ chỉ định dùng thuốc thì nên uống, bởi vì nó hầu như an toàn  với thai nhi”.

“Trong thời gian mang thai có khoảng 20% phụ nữ bị viêm nhiễm âm đạo. Nguyên nhân là do sự tăng đột biến các loại hormone. Những trường hợp sản phụ bị viêm nhiễm được bác sĩ chỉ định dùng thuốc thì nên uống, bởi vì nó hầu như an toàn  với thai nhi”.

Bác sĩ Tạ Việt Cường, (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)

Trên thực tế, theo bác sĩ Tạ Việt Cường, trường hợp thai phụ bị viêm nhiễm và chỉ đi khám khi bệnh đã trở nặng không phải là hiếm gặp. Bản thân ông đã từng phải điều trị cho bệnh nhân L.A mang thai 8 tháng viêm âm đạo tới mức sưng tấy, khí hư ra nhiều, có mùi hôi… “Bệnh nhân này nếu không điều trị ngay sẽ có nguy cơ vỡ ối sớm và đẻ non”, bác sĩ Tạ Việt Cường cho biết.

Dễ vỡ ối, sinh non, sảy thai

Bệnh viêm nhiễm âm đạo khi mang thai xảy ra khi sự cân bằng tự nhiên của các loại vi khuẩn trong âm đạo bị phá vỡ. Trong đó, có 4 loại nhiễm trùng phổ biến và dễ gây ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như: viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men, viêm âm đạo trichomoniasis và nhiễm strep B âm đạo. Nếu được chẩn đoán kịp thời, các bệnh này sẽ dễ dàng điều trị hơn.

“Khi sản phụ thấy một trong những triệu chứng bất thường của âm đạo: Ngứa quanh âm đạo, đau khi đi tiểu, chất dịch xám, trắng mỏng, đau khi quan hệ tình dục… thì cần phải nhanh chóng tới gặp bác sĩ. Nếu không, nó có thể gây ra tình trạng viêm ngược dòng từ âm đạo lên cổ tử cung, dẫn tới vỡ ối non, đẻ non hoặc sảy thai”, bác sĩ Tạ Việt Cường nhấn mạnh.

Để tránh những nguy hiểm của viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai, bác sĩ Tạ Việt Cường khuyến cáo: “Sản phụ có thể tự mua que thử pH để phát hiện sớm các dấu hiệu bất cân bằng pH âm đạo (đây là dấu hiệu sớm cảnh báo có viêm nhiễm). Khi phát hiện có dấu hiệu mất cân bằng pH các sản phụ nên đến khám phụ khoa. Nếu tình trạng bệnh nhẹ chỉ cần dùng thuốc để cân bằng pH âm đạo (không ảnh hưởng tới thai nhi). Nếu tình trạng viêm nặng có thể phải dùng thuốc đặt, tùy vào nguyên nhân gây bệnh (có một số loại ảnh hưởng đến thai nhi, chỉ được sử dụng sau tuần 12)”.

Biện pháp phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai:

- Không mặc quần lót và quần áo khi đang còn ẩm ướt. Thay đồ lót sạch sau khi tắm và đi bơi.

- Nên mặc đồ lót bằng chất liệu cotton giúp dễ thấm hút mồ hôi. Chọn quần lót rộng rãi thoải mái khi mặc.

- Khi vệ sinh vùng kín, nên lau từ trước ra sau, tránh để vi khuẩn từ hậu môn tấn công  “vùng kín” .

- Nếu bị viêm nhiễm trong 3 tháng đầu mang thai, trong thời gian chờ đợi đến 3 tháng tiếp theo để điều trị, sản phụ có thể dùng liều thuốc Metronidazole hoặc Clindamycin. Các thuốc này sẽ giúp sản phụ dễ chịu hơn. Tuy nhiên, liều lượng và cách thức sử dụng thế nào cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ.