Người vi phạm đốt xe phản ứng với Cảnh sát giao thông, phạm tội gì?

ANTĐ - 8h15’ ngày 11-1, tại ngã tư đường Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng (TP Thái Bình), ông Đỗ Văn Ve (SN 1964), ở xã Vũ Lạc, TP Thái Bình điều khiển xe môtô mang BKS: 29S2-3000 chuyển hướng nhưng không bật tín hiệu báo rẽ. Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP Thái Bình ra tín hiệu dừng xe để xử lý vi phạm.

Người vi phạm đốt xe phản ứng với Cảnh sát giao thông, phạm tội gì? ảnh 1

Ông Đỗ Văn Ve chấp hành hiệu lệnh của lực lượng Cảnh sát giao thông và dắt xe lên vỉa hè. Qua kiểm tra, người điều khiển phương tiện không có Giấy phép lái xe, không có đăng ký xe, hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép...

Sau khi trình bày và xin lực lượng chức năng không được, bất ngờ ông Đỗ Văn Ve cầm bật lửa mang theo người châm vào ống cao su của bộ chế hòa khí để đốt xe.

Tổ công tác mời người vi phạm về trụ sở Công an TP Thái Bình để làm rõ động cơ gây nên vụ việc. Tại đây, ông Đỗ Văn Ve thừa nhận hành vi tự ý đốt xe của mình do không làm chủ được bản thân và tự nguyện ký vào biên bản được lập.

Vấn đề cần tranh luận trong trường hợp này là hành vi đốt xe trước mặt lực lượng Cảnh sát giao thông của ông Đỗ Văn Ve phạm tội gì và bị xử lý như thế nào?

 Ý kiến bạn đọc :

Phạm một lúc nhiều tội 

Đối với trường hợp của ông Đỗ Văn Ve, nếu xác định phương tiện đó đăng ký chính chủ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành định giá tài sản để xác định mức độ thiệt hại. Trường hợp, người vi phạm đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản thì người điều khiển vi phạm đốt xe máy còn phạm một lúc các tội Gây rối trật tự công cộng, Hủy hoại tài sản và Cản trở người thi hành công vụ.

Trường hợp lực lượng Cảnh sát giao thông chưa lập biên bản mà người vi phạm tự ý đốt xe sẽ bị xử lý các tội Cản trở người thi hành công vụ và Gây rối trật tự công cộng. Đối với trường hợp phương tiện bị đốt không chính chủ thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh. Người đốt xe sẽ bị xử lý các tội Cố ý hủy hoại tài sản, Cản trở người thi hành công vụ và Gây rối trật tự công cộng.

Nguyễn Ngọc Anh (Văn Giang, Hưng Yên) 

Có thể bị khởi tố hình sự 

Theo quy định pháp luật dân sự, một người có toàn quyền đối với tài sản do mình sở hữu, kể cả quyền đốt trụi. Tuy nhiên, mọi công dân đều phải ý thức được rằng không phải cứ cái gì của cá nhân mình, gia đình mình là được phép tùy tiện đốt mọi chỗ, mọi nơi.

Quan trọng nhất là phải đốt ở nơi nào không ảnh hưởng đến người khác, đến dân sinh, môi trường…; nếu gây ảnh hưởng đến người khác, trong trường hợp này đốt ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông là vi phạm pháp luật, phải bị xử lý.

Ông Đỗ Văn Ve vi phạm Luật Giao thông đường bộ, khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm lại tự châm lửa đốt xe có khả năng sẽ bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cơ quan công an xem xét nếu ông Đỗ Văn Ve có dấu hiệu chống đối, gây nguy hiểm cho nhiều người cũng có thể bị khởi tố hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257, Bộ luật Hình sự. 

Đỗ Bích Thúy (Kỳ Sơn, Nghệ An)

Căn cứ vào hậu quả để xử lý

Thực tế hành động đốt xe của ông Đỗ Văn Ve đã gây ảnh hưởng đến các chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang thực thi nhiệm vụ và cả người tham gia giao thông. Nếu chiếc xe đó là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Đỗ Văn Ve mà ông tự ý đốt ở nơi công cộng để thể hiện thái độ phản ứng tiêu cực trước việc xử lý vi phạm của Cảnh sát giao thông thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Nếu hành vi này chưa gây hậu quả nghiêm trọng theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2013 của Hội đồng thẩm pháp Tòa án nhân dân tối cao thì ông Đỗ Văn Ve sẽ bị xử lý hành chính, mức xử phạt là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Còn nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ làm căn cứ để xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1, Điều 245, Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng. Đồng thời người vi phạm bị cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

Phạm Văn Mạnh (Tuyên Hóa, Quảng Bình) 

Cần xử lý nghiêm

Hành vi của ông Đỗ Văn Ve đã vi phạm pháp luật vì xâm hại đến trật tự công cộng. Cùng một loại hành vi nhưng dựa vào bối cảnh phạm tội, dựa vào ý chí của người phạm tội mà tội danh có thể khác nhau. Khi xử lý cần xem xét thận trọng cả nguyên nhân dẫn đến sự việc bởi hành vi đốt xe của người vi phạm vẫn có thể bị xử lý đồng thời cả hai tội Gây rối trật tự công cộng và Chống người thi hành công vụ.

Trong trường hợp này cần xử lý nghiêm bởi hành vi đốt xe vừa cản trở người thi hành công vụ, vừa có thể dẫn đến việc gây ách tắc giao thông, ngoài ra còn khiến dư luận bất bình trước chuyện thiếu ý thức tôn trọng người đang thi hành công vụ, thiếu ý thức giữ gìn trật tự nơi đông người, coi thường pháp luật. 

Nguyễn Anh Tiệp (Tây Hồ, Hà Nội)

 Bình luận của luật sư:

Căn cứ vào các thông tin về vụ việc, các quy định của pháp luật, hành vi tự ý đốt phương tiện giao thông tại nơi công cộng, trước mặt lực lượng Cảnh sát giao thông khi Cảnh sát giao thông đang tiến hành xử lý vi phạm liên quan đến việc điều khiển phương tiện là phản ứng mang tính tiêu cực của người tham gia giao thông.

Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà trong mọi trường hợp, đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp cụ thể có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi xử lý cần xem xét thận trọng cả nguyên nhân dẫn đến sự việc để có biện pháp xử lý phù hợp, thấu tình đạt lý, đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cụ thể của ông Đỗ Văn Ve, hành vi đốt xe máy khi đang bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông đã gây mất trật tự công cộng. Tuy nhiên, theo thông tin của cơ quan chức năng, ngoài việc tự ý đốt xe máy, ông Đỗ Văn Ve không có các hành vi khác như lăng mạ, xúc phạm lực lượng đang thi hành công vụ, chưa gây ra các hậu quả nguy hiểm cho xã hội như ùn tắc, cản trở việc đi lại của người tham gia giao thông...

Trong trường hợp này, xem xét toàn diện các mặt như nguyên nhân sự việc, hành vi vi phạm, hậu quả gây ra cho xã hội, thái độ của người vi phạm..., cơ quan chức năng đã quyết định xử lý hành chính đối với ông Đỗ Văn Ve là có căn cứ pháp luật, thấu tình đạt lý.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đốt phương tiện giao thông khi đang bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm cũng đều chỉ xử lý hành chính. Tùy theo nguyên nhân, hành vi, diễn biến, tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan chức năng có thể quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng.

Cụ thể, trong trường hợp vì hành vi đốt phương tiện giao thông của người vi phạm dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác cho xã hội như gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan chức năng, đám cháy gây thiệt hại cho tài sản của người khác... thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245, Bộ luật Hình sự hoặc tội Cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203, Bộ luật Hình sự. 

Trong trường hợp cùng với việc tự ý đốt phương tiện giao thông của mình, người vi phạm còn có hành vi lăng mạ, tấn công, cản trở... lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257, Bộ luật Hình sự. 

Liên quan đến trách nhiệm đối với phương tiện bị đốt cháy, nếu phương tiện thuộc sở hữu của người vi phạm thì không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm liên quan đến tài sản bị hủy hoại. Tuy nhiên, nếu phương tiện thuộc sở hữu của người khác, đối tượng sử dụng do đi mượn, hoặc thuê, trị giá thiệt hại trên 2 triệu đồng thì còn có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Luật sư Chu Mạnh Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)