Người mẹ bỏ rơi cháu bé và được nữ chiến sỹ công an cho bú, sẽ bị phạt thế nào?

ANTD.VN - Sự việc một người mẹ trẻ nỡ bỏ rơi con nhỏ mới 7 tháng tuổi tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Bởi trong khi người mẹ bỏ đi, các nữ công an Hà Nội đã thay nhau chăm sóc bé, thậm chí Thiếu úy Khuất Khánh Ly (CAP Mỹ Đình 2) còn sẵn sàng cho bé bú chung dòng sữa với con mình.

Như Báo ANTĐ đã đưa thông tin cụ thể, sau khi tiếp nhận em bé 7 tháng tuổi bị mẹ bỏ rơi tại nhà nghỉ trên địa bàn phường, Thiếu úy Khuất Khánh Ly (CAP Mỹ Đình 2, CATP Hà Nội) đã không ngần ngại chia sẻ dòng sữa mẹ cho bé.

Theo quy định, CAP Mỹ Đình 2 tiến hành các thủ tục để chuyển em bé vào trung tâm bảo trợ xã hội, song các nữ công an của CAP gắng giữ bé lại một ngày với hy vọng người mẹ sẽ suy nghĩ lại và tới đón con. Vậy nhưng niềm hy vọng này cuối cùng đã không được đáp ứng.

Trước tình hình đó, PV Báo ANTĐ đã có buổi trao đổi cụ thể với Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội – nhằm làm rõ một số vấn đề xung quanh.

Người mẹ có thể bị phạt 10 – 15 triệu đồng vì bỏ rơi con

Luật sư Trương Anh Tú cho hay, Bộ luật Hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam chỉ truy cứu Trách nhiệm Hình sự đối với hành vi bỏ rơi con mới đẻ của người mẹ, khi đứa trẻ sinh ra chưa được 7 ngày tuổi.

Trong sự việc vừa qua, người mẹ có hành vi bỏ rơi con được 7 tháng tuổi, như vậy, người phụ nữ đó đã vi phạm các Điều 4, 6 và 7 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như Luật Hôn nhân và Gia đình.

Cụ thể, Điều 4, 6 và 7 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”. Luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”.

Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội

Về hình thức xử phạt, theo Luật sư Trương Anh Tú, người mẹ bỏ rơi con 7 tháng tuổi có thể bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng, và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;

b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này”.

Muốn nhận nuôi cháu bé, phải làm sao?

Hiện nay, em bé bị mẹ bỏ rơi và được nữ công an Hà Nội cho bú sữa đã được chuyển vào trung tâm bảo trợ xã hội. Dù vậy, không ít ý kiến quan tâm và băn khoăn về những điều kiện để có thể nhận nuôi em bé này.

Để giải đáp những thắc mắc đó, Luật sư Trương Anh Tú đã chỉ rõ những thủ tục cụ thể theo quy trình, cùng các điều kiện liên quan.

Theo quy định tại Điều 14, Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch có quy định: Nếu phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người phát hiện được phải thông báo ngay cho UBND hoặc Công an cấp xã/phường nơi trẻ bị bỏ rơi để các bên tiến hành lập biên bản. Sau đó, UBND cấp xã/phường tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi hoặc thông báo liên tục trên hệ thống loa truyền thanh. Hết thời hạn quy định, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Sau khi khai sinh cho trẻ, nếu không có gia đình nào nhận trẻ làm con nuôi, trẻ sẽ được chuyển về các trung tâm bảo trợ xã hội được thành lập hợp pháp theo trình tự, thủ tục quy định.

Các nữ chiến sỹ công an CAP Mỹ Đình 2, CATP Hà Nội, chăm sóc bé bị mẹ bỏ rơi

Nếu có người muốn nhận cháu làm con nuôi thì trước tiên cả người nhận nuôi và người được nhận nuôi phải đáp ứng các quy định của Luật nuôi con nuôi 2010, cụ thể:

Thứ nhất: Về điều kiện của người được nhận làm con nuôi: 

Theo Quy định tại Điều 8, Luật nuôi con nuôi, trẻ em dưới 16 tuổi đủ điều kiện được nhận làm con nuôi. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi”.

Như vậy, em bé bị bỏ rơi nay mới được 07 tháng tuổi, thuộc khoản 1, điều 8 luật con nuôi, là đối tượng được nhận làm con nuôi .

Thứ hai: Về điều kiện của người nhận con nuôi: 

Điều 14 Luật Nuôi con nuôi. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này”.

Khi người muốn nhận cháu bé làm con nuôi đã đáp ứng đủ những điều kiện trên, thủ tục nhận con nuôi như sau:

Bước 1: Lập hồ sơ nhận con nuôi. 

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

–  Đơn xin nhận con nuôi;

–  Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

–  Phiếu lý lịch tư pháp;

–  Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

–  Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi.

Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi gồm có:

+ Giấy khai sinh

+ Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

+ Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

+ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã/phường nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; 

Bước 2: Nộp hồ sơ đến UBND cấp xã/phường nơi người nhận con nuôi thường trú, UBND cấp xã/phường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, Nếu hộ sơ hợp lệ, ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi.