Người lao động có thể nghỉ việc không cần lý do?

ANTD.VN -  Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do - đó là một trong những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động được nhiều người quan tâm.

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là quyền của người lao động nhưng phải có lý do và báo trước

Quy định trên nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng liệu có làm khó chủ sử dụng lao động và ảnh hưởng xấu đến việc tuyển dụng, sắp xếp lao động? Chúng tôi đã trao đổi với luật sư Lê Hồng Vân - Công ty TNHH Luật Labor Law để làm rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung này.

- PV: Xin luật sư cho biết các trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo quy định hiện hành ?

- Luật sư Lê Hồng Vân: Từ trước đến nay, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động được thiết lập dựa trên một giao kết, đó là Hợp đồng lao động (HĐLĐ). Theo Điều 22 BLLĐ 2012, HĐLĐ có các loại: không xác định thời hạn; có xác định thời hạn; theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định dưới 12 tháng. Điều 36 BLLĐ cũng đã quy định các trường hợp chấm dứt HĐLĐ. 

Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước từ 3-45 ngày tùy theo từng loại hợp đồng. 

Như vậy, theo quy định hiện hành, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ là một trong những quyền của người lao động được pháp luật quy định nhưng phải có lý do và báo trước.

Luật sư Lê Hồng Vân - Công ty TNHH Luật Labor Law

- Vậy theo luật sư, những hạn chế của quy định này là gì, tại sao phải sửa đổi?

- Quy định trên đã có sự phân biệt người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn và người lao động làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ… Trong khi đó, trên thực tế, người lao động làm việc theo loại hình HĐLĐ nào thì bản chất cũng như nhau, đều phải thực hiện tốt các công việc được giao. HĐLĐ không xác định thời hạn là bước chuyển tiếp của HĐLĐ có xác định thời hạn đã ký trước đó mà thôi. Do vậy, việc đưa ra lý do để người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ là không phù hợp với thực tế.

Mặt khác, với quy định hiện hành, nếu người lao động muốn nghỉ việc ở nơi đang làm để tìm một cơ hội làm việc nơi khác tốt hơn nhưng nếu không được người sử dụng lao động thông cảm và tạo điều kiện thì sẽ không thể nghỉ việc. Nếu cố tình nghỉ việc thì sẽ bị người sử dụng lao động tìm mọi cách khởi kiện ra tòa. Điều này cản trở rất lớn đến cơ hội nghề nghiệp cũng như những rắc rối pháp lý sẽ gặp phải trong tương lai.

Rõ ràng, việc quy định người lao động phải nêu ra lý do để đơn phương chấm dứt HĐLĐ vô hình trung đã ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Hơn nữa, nếu người lao động cố tình tạo ra lý do để nghỉ việc thì người sử dụng lao động cũng không thể không cho họ nghỉ.  Vì vậy, cần quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần có lý do, chỉ cần báo trước.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước từ 3-45 ngày tùy theo từng loại hợp đồng

- Vậy theo luật sư, quy định này có “làm khó” chủ sử dụng lao động?

- Thời gian qua, một số doanh nghiệp lo ngại việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu được quy định dễ dãi sẽ dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” nên cố tình gây khó khăn cho người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động. Nhiều doanh nghiệp muốn giữ chân những người lao động giỏi nhưng lại không muốn trả lương cao nên khi người lao động muốn nghỉ việc thì cố tình gây khó khăn cho người lao động bằng cách cho rằng lý do nghỉ việc của người lao động nêu ra không chính đáng.

Theo tôi, khi người lao động muốn chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn thì chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động trong một khoảng thời gian nhất định tùy theo từng loại việc, từng vị trí để đảm bảo cho việc bàn giao, chuyển giao công việc cho người tiếp nhận mới.

Người sử dụng lao động có lợi thế hơn rất nhiều so với người lao động nên họ có thể dễ dàng tuyển dụng lao động mới. Tuy nhiên, cũng cần phải có chế tài cho người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ dù không cần phải nêu lý do nhưng vẫn phải báo trước thời hạn chấm dứt cho người sử dụng lao động có phương án tuyển dụng người khác thay thế. Ngoài ra, nếu việc báo trước này của người lao động gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp mà doanh nghiệp chứng minh được thì người lao động đó phải bồi thường.