Ngôi nhà nặng ân tình cho người đồng chí hy sinh

ANTD.VN - Những ngày đầu tháng 6-2017, chúng tôi về lại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội nơi có căn nhà tình nghĩa của Báo ANTĐ và CAH Hoài Đức xây tặng liệt sĩ Phạm Nhâm. Dù nhiệt độ ngoài trời nắng nóng khủng khiếp lên tới hơn 40 độ C, nhưng khi bước vào trong ngôi nhà tình nghĩa, một cảm giác mát lạnh ùa đến lẫn theo nỗi bịn rịn, xúc động nghẹn ngào dâng lên.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP Hà Nội trao quyết định công nhận liệt sĩ cho thân nhân gia đình đồng chí Phạm Nhâm

 10 năm, một chặng đường không dài nhưng cũng đủ để thắm đượm những ân tình của Báo ANTĐ với những địa chỉ “đỏ”. Những bức tường của ngôi nhà tình nghĩa được xây nên bằng tình cảm, sự tri ân của những người chiến sĩ làm báo Công an cùng độc giả khắp mọi miền Tổ quốc trước sự hy sinh anh dũng của người Công an xã Phạm Nhâm sau 10 năm vẫn còn mới như thuở ban đầu. Chính tại nơi đây, các con của liệt sĩ Phạm Nhâm đã khôn lớn trong tình yêu thương, đùm bọc của đồng chí, đồng đội, chính quyền, để có điều kiện viết tiếp ước mơ còn dang dở của người cha - một liệt sĩ công an.

Cuộc gọi lúc rạng sáng

Năm 2008, khi TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây hợp nhất, tôi được Ban Biên tập Báo ANTĐ giao nhiệm vụ phụ trách, tuyên truyền cho Công an các huyện Hoài Đức, Đan Phượng và Thạch Thất. Ngày đó, quãng đường từ tòa soạn xuống địa bàn đi chẳng dễ dàng như bây giờ. Tuy đường xa xôi, bụi bặm, khó đi nhưng hầu như chẳng ngày nào tôi không có mặt, lấy tin ở các địa bàn. Sự gắn kết giữa Báo ANTĐ với những địa bàn mới trước kia thuộc Công an tỉnh Hà Tây qua những bài viết, hoạt động của tôi ngày càng chặt chẽ.

Tôi vẫn nhớ như in cuộc điện thoại của đồng chí Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội (khi đó là Trung tá, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, CAH Hoài Đức) vào rạng sáng một ngày đầu tháng 10-2008. Qua điện thoại, giọng đồng chí Nguyễn Anh nghèn nghẹn thông tin vừa có một đồng chí Công an xã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngăn chặn đối tượng gây rối. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tôi đã báo cáo ngay với chỉ huy Ban Nội chính. Ngay trong chiều hôm đó, tôi phóng xe máy về trụ sở CAH Hoài Đức tìm hiểu sự việc, viết bài. 

Sau những giây phút giáp mặt với đối tượng đâm chết đồng chí Công an xã Phạm Nhâm tại nhà tạm giữ của CAH Hoài Đức, tôi ngỏ ý với Ban chỉ huy CAH Hoài Đức muốn được về tận gia đình của đồng chí Phạm Nhâm để tìm hiểu thông tin viết bài. Chiều muộn hôm đó, đón chúng tôi trong nghẹn ngào nước mắt với vành khăn tang trắng trên mái đầu là vợ và hai con nhỏ của đồng chí Nhâm, cùng toàn thể gia đình.

Người cha của anh Nhâm là ông Phạm Đình, thương binh 4/4 lặng người đi trước nỗi đau quá lớn, không nói nên lời khi chúng tôi hỏi về anh Nhâm. Chị Phạm Thị Dung, vợ đồng chí Phạm Nhâm ôm hai con vào lòng khóc hết nước mắt trước sự ra đi quá đột ngột và đau đớn của chồng.

Căn nhà tình nghĩa Báo An ninh Thủ đô xây dựng tặng vợ con liệt sĩ Phạm Nhâm với tấm biển ân tình vẫn sáng như ngày đầu bàn giao. Trong căn nhà này, chị Dung, vợ liệt sĩ Phạm Nhâm tần tảo nuôi hai con khôn lớn xứng đáng với sự hy sinh của người chồng, người cha và sự đùm bọc của đồng đội 

Hai cháu Phạm Thị Thùy Trang khi đó đang học lớp 4 và Phạm Quang Huy học lớp 1 đang ngồi bên mẹ. Cháu Huy do còn quá ít tuổi chẳng hiểu chuyện gì, chốc chốc lại chạy ra cổng chơi đùa với chúng bạn. Còn cháu Thùy Trang lớn hơn em nên cũng lờ mờ nhận biết được sự việc, cứ gục đầu vào người mẹ, ai hỏi cũng lặng thinh, ngơ ngác.

Ngay trong chiều tối hôm đó, bài viết “Anh đã hy sinh vì sự bình yên” được tôi viết tại căn nhà cấp 4 lụp xụp, chẳng có bất cứ một tài sản gì được gọi là đáng giá của đồng chí Phạm Nhâm. Khi những con chữ cuối cùng của bài viết đã xong, được chuyển thẳng về tòa soạn kịp cho số báo ra ngày hôm sau, tôi không hề biết rằng, sẽ có một bất ngờ kỳ diệu đến với những nhân vật được nhắc đến trong bài báo đó...

10 năm một dấu ấn “đỏ”

Sáng thứ bảy, khi tôi còn đang ngái ngủ bỗng chuông điện thoại réo vang. Ở đầu dây bên kia, chỉ huy Ban Nội chính thông báo gọi điện thoại ngay cho đồng chí Đại tá Đào Lê Bình, khi đó là Tổng Biên tập Báo ANTĐ. Giọng Đại tá Đào Lê Bình nhẹ nhàng và chỉ hỏi tôi đúng một câu duy nhất: “Con thấy gia đình anh Nhâm có khó khăn thật sự không?”. Chẳng cần suy nghĩ, tôi trả lời ngay: “Dạ báo cáo bác, cháu thấy gia đình anh ấy khó khăn lắm ạ! Ngoài cái chum sành to tướng dùng để đựng nước mưa làm nước sinh hoạt hàng ngày ở trước cửa thì chẳng có gì đáng giá”. Nghe xong câu trả lời của tôi, Đại tá Đào Lê Bình chốt gọn: “Được rồi!”.

Phóng viên Báo ANTĐ gặp lại chị Dung và được nghe nhiều câu chuyện vui về sự khôn lớn, trưởng thành của các con liệt sĩ Phạm Nhâm trong sự đùm bọc của Báo ANTĐ, CATP Hà Nội và chính quyền cơ sở

Tại cuộc họp giao ban sáng thứ hai đầu tuần, Đại tá Đào Lê Bình giơ tờ báo in trang nhất với hình ảnh 3 mẹ con chị Phạm Thị Dung ôm nhau đứng cạnh chiếc lu sành đựng nước mưa trước căn nhà cấp 4 siêu vẹo, tuyên bố: “Báo ANTĐ sẽ xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình thân nhân đồng chí Phạm Nhâm”.

Những ngày sau đó, đồng chí Thượng tá Vũ Kim Thành, khi đó là Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ, đã liên tục xuống huyện Hoài Đức cùng với CAH khảo sát lên kế hoạch xây dựng ngôi nhà tình nghĩa. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, căn nhà tình nghĩa mái bằng khang trang được Báo ANTĐ và CAH Hoài Đức phối hợp xây dựng trong đó có phần lớn đóng góp, hỗ trợ của đông đảo bạn đọc khắp nơi trên cả nước đã hoàn thành. 

Tại buổi lễ bàn giao căn nhà tình nghĩa, những giọt nước mắt của thân nhân gia đình liệt sĩ Phạm Nhâm thêm một lần nữa lại rơi vì xúc động, hạnh phúc trước sự quan tâm, giúp đỡ, đùm bọc của đồng chí, đồng đội, tập thể CBCS Báo ANTĐ dành cho gia đình...

Những ngày đầu tháng 6 này, đúng tròn 10 năm khi căn nhà tình nghĩa được bàn giao, chúng tôi mới có dịp trở lại xã Dương Liễu thăm mẹ con chị Phạm Thị Dung. Nhìn thấy tôi, chị Dung nhận ra ngay cậu phóng viên ngày trước và không khỏi vui mừng. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Dung cứ luôn miệng nhắc đến bác Bình, bác Thành cùng tập thể Báo ANTĐ với lòng kính trọng và biết ơn vô hạn. Tấm biển Nhà tình nghĩa Báo ANTĐ và CAH Hoài Đức tặng thân nhân liệt sĩ Phạm Nhâm được gắn ở phía trước vẫn sáng như ngày đầu bàn giao. 

Dù trong suốt 10 năm qua thiếu vắng người chồng, người cha, nhưng căn nhà nhỏ ấy được xây nên bằng những tấm lòng tri ân trước sự hy sinh anh dũng của đồng chí Phạm Nhâm, đã là chỗ nương tựa vững chắc cho 3 mẹ con chị Dung.

Cháu Phạm Thị Thùy Trang ngày nào học lớp 4 thì nay đã chuẩn bị thi vào Đại học Ngoại ngữ; còn cháu Phạm Quang Huy còi cọc khi xưa nay cũng đã trở thành một chàng thanh niên cao lớn, chuẩn bị thi vào lớp 10 với ước mơ sau này thi vào trường Công an, tiếp nối con đường của bố để bảo vệ bình yên cho nhân dân. 

10 năm qua, chị Dung một mình hai vai vượt qua khó khăn nuôi con khôn lớn trong căn nhà ấm áp nghĩa tình. “Nếu không có sự giúp đỡ của CATP Hà Nội, Báo ANTĐ và các cấp, các ngành thì 3 mẹ con chúng tôi không biết sống thế nào nữa. Tôi luôn dạy dỗ các cháu lớn khôn, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh Phạm Nhâm cũng như sự đùm bọc, ân tình to lớn, đặc biệt của tập thể Báo ANTĐ đã dành cho gia đình tôi” - chị Dung xúc động nói.