Nghi vấn nam thanh niên tử vong do "sốc" vì hút cỏ Mỹ

ANTD.VN - Rạng sáng 21-5, sau khi sử dụng cỏ Mỹ cùng một nhóm thanh niên khác tại sân vận động (SVĐ) Mỹ Đình, Đỗ Anh N (SN 1990) trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã tử vong trước khi đưa đến Bệnh viện Thể thao. 

Thông tin ban đầu được biết, trong khi tham gia sự kiện âm nhạc tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình có 1 thanh niên đưa cho Nam sử dụng ma túy dạng cỏ (cỏ Mỹ), sau đó Nam ngất ngã ra sàn và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng CAQ Nam Từ Liêm đã tiến hành trưng cầu giám định pháp y, xác định nguyên nhân gây nên cái chết của anh N. Kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Hà Nội cho rằng anh N tử vong vì “sốc” do sử dụng ma túy.

Theo Thiếu tá Trần Hồng Quân, Đội trưởng Đội Giám định hóa học Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội, bản chất cỏ Mỹ là một loại thảo mộc, không phải cần sa nhưng được tẩm ướp hóa chất có tác dụng gây ảo giác như cần sa. Hóa chất đó được gọi là cần sa tổng hợp. Qua các nghiên cứu của Liên hiệp quốc, hiện đã phát hiện được khoảng 600 chất dùng để tẩm ướp vào thảo mộc bất kỳ biến thành cỏ Mỹ. Phổ biến hiện nay là sợi thuốc lá, thuốc lào được tẩm ướp hóa chất.

Ở Việt Nam hiện chưa phát hiện được cơ sở tẩm ướp hóa chất vào thảo mộc biến thành cỏ Mỹ mà chỉ xuất hiện các đối tượng buôn bán, mua cỏ Mỹ không rõ nguồn gốc và tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên việc xử lý hành vi buôn bán, sử dụng cỏ Mỹ ở Việt Nam hiện nay không hề đơn giản. Theo Nghị định 126/2015 sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo nghị định số 82/2013 của Chính phủ đã bổ sung thêm 5 loại hóa chất dùng để tẩm ướp vào thảo mộc thường xuyên xuất hiện ở Việt Nam.

Ngay sau đó, các loại cỏ Mỹ có chứa 5 loại hóa chất này đã biến mất khỏi Việt Nam. Cách đây khoảng 2 năm, CAQ Nam Từ Liêm đã phát hiện một vụ buôn bán cỏ Mỹ nhưng khi giám định, hóa chất trong số cỏ Mỹ này lại không thuộc danh mục bị cấm, do đó đã không xử phạt được hành vi vi phạm. Các nghiên cứu khẳng định, loại cần sa tổng hợp này gây kích thích, ảo giác, hoang tưởng gấp hàng nghìn lần so với cần sa được trồng tự nhiên.

Hiện nay, qua nghiên cứu Viện Khoa học kỹ thuật hình sự- Bộ Công an đã kiến nghị bổ sung hơn 200 loại hóa chất vào danh mục tiền chất ma túy để có căn cứ xử lý các đối tượng mua bán, tàng trữ sử dụng cỏ Mỹ. Tuy nhiên cái khó hiện nay là chưa có mẫu chuẩn để giám định, chưa có quy định trọng lượng và phải giám định được hàm lượng hóa chất trong thảo mộc. Do đó nhiều đối tượng vẫn lợi dụng “lách luật” để buôn bán và sử dụng cỏ Mỹ.