Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3: Tiêm vaccine là cách phòng lao tốt nhất

ANTD.VN - Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao (BK), do sự lây nhiễm trực tiếp. Trẻ em - nhất là trẻ sơ sinh rất dễ bị lây bệnh. Bệnh nhi mắc lao chiếm tỷ lệ 10 - 15% trong số ca bệnh lao mới mắc hàng năm.

Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên, thường gặp hơn cả là các thể: Lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu, lao cấp tính, lao hô hấp sau sơ nhiễm lao phổi và lao màng phổi, lao ngoài phổi. Trẻ bị lao thường có nguồn lao từ người thân chiếm đến 70% và chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh ở trường học, ngoài cộng đồng. Nguy cơ từ nhiễm trở thành bệnh là 10% trong 10 năm sau khi bị nhiễm lao. 

Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3: Tiêm vaccine là cách phòng lao tốt nhất ảnh 1Để phòng bệnh tốt nhất, trẻ sơ sinh phải được tiêm vaccine BCG phòng lao

Phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời

Các triệu chứng lao của trẻ cũng tương tự người lớn như ho dai dẳng, ho ra máu. Nếu trẻ không được điều trị kịp thời, bệnh lao sẽ tiến triển nặng hơn gây nên các triệu chứng sốt, mệt mỏi, kích thích, ho dai dẳng, kiệt sức, thở nhanh và khó thở, ra mồ hôi ban đêm, sưng hạch bạch huyết, sút cân và chậm phát triển thể chất. Trong một số rất ít trường hợp với trẻ em dưới 4 tuổi, vi khuẩn lao có thể lan vào máu tuần hoàn và gây nhiễm lao cho một số bộ phận khác của cơ thể. Nguy hiểm nhất là lao màng não, một căn bệnh ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương.

Nếu trẻ đã bị nhiễm vi khuẩn lao, bất kể trẻ có biểu hiện triệu chứng hay không cũng cần thiết phải cách ly trẻ với đối tượng đã lây bệnh cho trẻ. Thông thường, những người đã từng tiếp xúc gần với trẻ là những đối tượng có khả năng lây bệnh cao nhất. Nếu phát hiện có người lớn trong gia đình bị nhiễm lao, người đó nên được cách ly càng sớm càng tốt cho tới khi việc điều trị có thể kiểm soát tốt các triệu chứng. Nếu không được điều trị, vi khuẩn lao có thể ở dạng không hoạt động trong nhiều năm rồi đột ngột tấn công. Do vậy, việc cho trẻ xét nghiệm xem có bị nhiễm lao hay không là rất quan trọng để điều trị kịp thời.

Việc điều trị lao ở trẻ em phải tuân thủ đúng với hướng dẫn của bác sỹ, điều trị đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định. Bệnh lao trẻ em có thể chữa lành được với hóa trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc.

Để phòng bệnh lao, cách tốt nhất là cho trẻ tiêm vaccine BCG phòng bệnh lao đúng lịch và đầy đủ. Cũng như các loại thuốc và vaccine khác, vaccine tiêm phòng lao có thể gây ra một số tác dụng phụ còn gọi là những phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ đừng quá lo lắng vì đây là điều bình thường cho thấy trẻ có đáp ứng với vaccine và trẻ sẽ tự khỏi trong vòng một vài ngày. Khoảng 1 tháng sau nếu không thấy sẹo BCG ở cơ delta thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra. 

Kiểm soát bệnh bằng nhiều kỹ thuật mới 

Hàng năm Việt Nam đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi trên 90% trường hợp mắc mới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 3 nước có kế hoạch nghiên cứu được đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam đã có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu với một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi rộng khắp và chia sẻ những định hướng nghiên cứu quan trọng.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về phòng chống bệnh lao (STAG TB) - cơ chế điều hành và hoạch định chiến lược phòng chống lao cao nhất của WHO.

Dịch tễ bệnh lao giảm trung bình hàng năm là 4,6% từ năm 2000 đến nay. Hầu hết các kỹ thuật mới đều đã được áp dụng có hiệu quả cao và đến nay đã có gần 6.000 người mắc lao kháng thuốc được thu nhận điều trị. Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) đã triển khai thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (9 tháng) trong điều trị người bệnh lao đa kháng thuốc. 

Nhiều kỹ thuật mới, đột phá được áp dụng hiệu quả như kỹ thuật Gene Xpert chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không. Hiện nay đã có 112 máy Gene Xpert trên cả nước. Để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân và giảm nguồn lây cho cán bộ y tế và cộng đồng, từ năm 2014 đến nay, Dự án TB CARE II phối hợp với Chương trình chống lao Quốc gia triển khai Chiến lược FAST tại BV Lao & Bệnh phổi tỉnh Nam Định và BV Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam.

Chiến lược FAST đã góp phần phát hiện nhiều ca bệnh lao kháng đa thuốc và lao phổi được chẩn đoán với bằng chứng vi khuẩn học và rút ngắn thời gian từ lấy mẫu tới điều trị các ca bệnh từ trên 10 ngày năm 2013 xuống còn 3-5 ngày. Từ đầu năm 2016, Chương trình chống lao Quốc gia đã áp dụng tiếp cận thực hành chiến lược FAST trong chẩn đoán lao phổi dương tính tại Khoa Lao hô hấp của BV Phổi Trung ương, với mục tiêu chẩn đoán và bắt đầu điều trị trong vòng 36 giờ.