Ngăn chặn bạo lực trong bệnh viện

ANTD.VN - Thời gian gần đây, sự an toàn, tính mạng của các bác sĩ và nhân viên y tế làm công việc chữa bệnh, cứu người trong các bệnh viện ngày càng trở nên bất an, mong manh trước “làn sóng” bạo lực từ ngoài xã hội tràn vào nơi lẽ ra phải được bảo đảm an toàn, an ninh trật tự nhất. 

Những vụ hành hung dã man bác sĩ, y tá ngay trong phòng bệnh, đập phá máy móc, thiết bị y tế khiến cả xã hội phẫn nộ. Gần đây nhất là vụ người nhà bệnh nhân đánh đập đến thương tích bác sĩ chẩn đoán bệnh, sau đó bắt người thầy thuốc này phải quỳ xuống xin lỗi. Hơn cả bạo lực, đây là hành động làm nhục, chà đạp nhân phẩm người bác sĩ chỉ biết làm việc hết lòng vì người bệnh.

Dưới góc nhìn của giới chuyên gia khi “mổ xẻ” nguyên nhân của những vụ bạo lực xảy ra trong thời gian qua, hầu hết đều do người nhà bệnh nhân không nắm rõ tường tận sự việc, không trao đổi với các cán bộ y tế mà đổ hết lỗi cho bác sĩ điều trị. Trước những sự cố y khoa, những tổn thất, mất mát của người thân, họ thường thiếu kiềm chế, manh động trút nỗi đau, sự tức giận lên chính người thầy thuốc, nhân viên y tế.

Thực tế không thể phủ nhận đã từng có những sự cố nghiêm trọng là do sự bất cẩn, tắc trách của một số y, bác sĩ. Tuy nhiên, dư luận xã hội mặc dù cảm thông, chia sẻ với tâm trạng bức xúc của người nhà bệnh nhân, song không thể chấp nhận cách giải quyết bằng bạo lực theo kiểu côn đồ ngay trong khuôn viên bệnh viện. 

Bên ngoài xã hội, cả cộng đồng chung tay ngăn chặn đẩy lùi bạo lực. Trong bệnh viện càng phải mạnh tay, quyết liệt hơn. Tiếc thay, qua những vụ côn đồ xông vào bệnh viện “thanh toán” nhau như chốn giang hồ, nhất là những vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân cùng những kẻ xấu manh động tấn công, đã bộc lộ những “kẽ hở” trong hàng rào an ninh của các bệnh viện. Không chỉ mỏng về lực lượng, đội ngũ bảo vệ còn yếu về nghiệp vụ cũng như tính chuyên nghiệp.

Dường như họ chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người ra vào, vì thế hết sức lúng túng, thậm chí bất lực, bỏ chạy trước những đối tượng hung hãn. Hầu hết chưa có bác sĩ, nhân viên y tế nào được bảo vệ an toàn trước những vụ bạo lực tàn bạo. Dư luận đặt câu hỏi: không lẽ trước tình trạng mất an toàn như vậy, phải mở một lớp huấn luyện kỹ năng tự vệ hoặc trang bị “vũ khí” cho hàng vạn bác sĩ, cán bộ y tế.

Để người thầy thuốc thực sự yên tâm làm việc, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, luật pháp đã có sự răn đe mạnh mẽ; bên cạnh đó lực lượng bảo vệ tại bệnh viện cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn mọi hành vi bạo lực trong bệnh viện.