Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore

ANTD.VN - Năm 2017, năng suất lao động của nền kinh tế đã tăng 5,87%, cao hơn mức tăng 5,29%  của năm 2016. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại VDF ngày 13-12 (ảnh: VGP)

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) với chủ đề: "Năng suất- Đòn bẩy cho phát triển kinh tế" đã diễn ra hôm nay (13-12). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Năm 2017, năng suất lao động của nền kinh tế đã tăng 5,87%, cao hơn mức tăng 5,29% của năm 2016. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung, hiện năng suất lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN. Cụ thể là thấp hơn 15 lần so với Singapore, hơn 6 lần so với Malaysia và thấp hơn Thái Lan gần 3 lần...

Trên thực tế, năng suất lao động là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc tăng năng suất lao động vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Năng suất lao động tăng chưa đáp ứng được yêu cầu có nguyên nhân từ việc nền kinh tế vẫn thâm dụng tài nguyên và nhân công, chưa rộng rãi áp dụng khoa học và công nghệ, bế tắc trong chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế nên chưa có sự đột phá. 

Ông Ousmane Dione- Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay: "5 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được mức hồi phục tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận nhưng tăng trưởng năng suất lao động yếu. Trong khi tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt trung bình 4%/năm thì ở cùng giai đoạn phát triển như Việt Nam, Trung Quốc đạt tốc độ 7%, Hàn Quốc là 5%. Mức tăng trưởng năng suất lao động này sẽ khó giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững như những nước này".

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Việt Nam vẫn còn dư địa và cơ hội lớn để gia tăng tốc độ tăng năng suất bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu thành phần kinh tế. Ngoài ra, phải phân bổ lại nguồn lực, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế cũng như thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi cơ cấu nội ngành để tăng năng suất nội ngành của nền kinh tế...

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan tiếp thu và cụ thể hóa trong nội dung kế hoạch hành động của Chính phủ về thúc đẩy tăng năng suất trong thời gian tới.