Nam Trung bộ xoay xở giữa lũ lụt trái mùa

ANTD.VN - Mặc dù nước lũ tại địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ đã bắt đầu rút nhưng dự báo trong hôm nay và ngày mai, 20-12, mưa tiếp tục đổ xuống khu vực này khiến nước lũ có thể lên trở lại. Trong khi đó, người dân bị thiệt hại nặng nề tại các tỉnh như Bình Đình, Phú Yên… đã kiệt sức vì lũ chồng lũ.

Nam Trung bộ xoay xở giữa lũ lụt trái mùa ảnh 1Lực lượng cứu hộ đưa dân từ vùng lũ lên khu vực an toàn ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định

Lũ trước chưa qua, lũ sau ngấp nghé

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho hay, tính đến ngày 18-12, đợt lũ diễn ra từ ngày 13-12 tại các tỉnh Nam Trung bộ đã làm 17 người tử vong, 2 người mất tích. Trong đó, Bình Định là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người với 11 người chết. Mưa lũ cũng khiến hơn 100.000 ngôi nhà bị hư hỏng và ngập nước; sạt lở, bồi lấp nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở các địa phương. Đến ngày 18-12, mực nước trên các sông ở khu vực miền Trung đang xuống nhưng vẫn ở mức cao. Dù vậy, cùng ngày, các tỉnh Nam Trung bộ tiếp tục có mưa to và hiện có 16 hồ chứa thủy điện đang xả lũ. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hầu hết các hồ chứa, hồ thủy điện ở khu vực này đã “no” nước, nhiều hồ đã phải xả tràn. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 18 đến hết 20-12, các tỉnh Nam Trung bộ sẽ có một đợt mưa, dù quy mô không bằng đợt mưa vừa qua nhưng sẽ khiến nước lũ rút chậm. Đặc biệt, khoảng ngày 24-12, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió và tác động của áp thấp nhiệt đới, sẽ có một trận mưa lớn tại các tỉnh này. Dự báo, một đợt lũ với biên độ xấp xỉ báo động III sẽ diễn ra. Như vậy, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi… sẽ còn đối diện nguy cơ ngập lụt trong thời gian tới. 

Trong ngày 18-12, các tỉnh đã tiếp nhận lương khô cứu trợ từ Bộ Quốc phòng hỗ trợ các vùng còn đang bị ngập nước, cô lập. Theo đó, tỉnh Bình Định đã tiếp nhận 10 tấn lương khô từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương; 7 ca nô (cấp cho Công an tỉnh 3 chiếc và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh 4 chiếc), 70 bộ nhà bạt, 500 áo phao, 1.000 phao tròn từ Tổng cục Dự trữ quốc gia, Bộ Tài Chính và tổ chức cấp phát cho các địa phương và đơn vị liên quan như huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát.

Tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận và hỗ trợ 4.590 thùng mỳ tôm, 5 tấn lương khô, 4.150 thùng nước khoáng và một số nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức. Tỉnh Phú Yên tiếp nhận 4 tấn lương khô và tổ chức cấp phát cho các huyện Đông Hòa, Tuy An. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã tiếp nhận 4 tấn lương khô và tổ chức cấp phát cho các huyện/thành phố Nha Trang, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh và Cam Lâm.

Nam Trung bộ xoay xở giữa lũ lụt trái mùa ảnh 2Cán bộ, chiến sĩ Trạm Cảnh sát giao thông Tuy Phước dầm mưa phân luồng, điều tiết giao thông tại những điểm ngập lụt trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Bắt tay khắc phục sau lũ

Ngày 18-12, tin từ Ban chỉ huy về Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Bình Định cho biết, vẫn còn gần 70.000 ngôi nhà ngập trong nước lũ. Đáng nói, người dân nhiều vùng lũ đã cạn kiệt lương thực, nhu yếu phẩm. Thậm chí, mỳ tôm cứu trợ nhưng cũng không có nước, có lửa để đun sôi, nấu chín. Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 9.300 giếng nước bị ngập trong mưa lũ. Trong đó, nhiều nhất là các huyện Tuy Phước (2.864 giếng), Hoài Nhơn (2.566 giếng), Hoài Ân (1.487 giếng), Phù Mỹ (1.406 giếng)... Tại huyện Tuy Phước, hệ thống cung cấp nước máy sinh hoạt tại địa phương hiện cũng ngưng hoạt động do ngập trong lũ. Hàng chục nghìn hộ dân đang “khát” nước sạch.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong ngày 18-12, khi nước lũ bắt đầu rút, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315, Sư đoàn 307, Ban chỉ huy quân sự các cấp về các vùng rốn lũ trong tỉnh để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt. 5 tấn lương khô do Bộ Quốc phòng trợ cấp cho 7 địa phương trong tỉnh gồm các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi đã được cán bộ chiến sĩ vận chuyển xong. Các cán bộ, chiến sĩ cũng tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 500 người dân, hướng dẫn người dân cách khử độc hệ thống nước sinh hoạt; cùng người dân khôi phục, cải tạo ruộng đồng bị tàn phá tại các điểm lũ và tổng vệ sinh tại các trường học, bệnh viện... giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.