Muốn nấu hay bán rượu thủ công, phải đăng ký, báo chính quyền

ANTD.VN - Trước tình trạng ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đang ở mức báo động, nhiều ý kiến từ Bộ Công Thương cho rằng, tới đây, việc nấu, bán rượu truyền thống trong dân cũng nhất thiết phải đăng ký kinh doanh hay báo chính quyền.
Trước tình trạng ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đang rất báo động, nhiều ý kiến từ Bộ Công Thương cho rằng, tới đây kể cả việc nấu, bán rượu truyền thống trong dân cũng nhất thiết phải đăng ký kinh doanh hay báo chính quyền.

Tất cả rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ đều phải tịch thu

Sáng nay, 23-3, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol, thực trạng và giải pháp”. PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết, rượu bia là một thức uống cần có trong cuộc sống và trở thành một nét văn hóa. Thế nhưng tình trạng báo động hiện nay là hầu như nhà hàng, quán ăn nào cũng đều có bán các loại rượu không nhãn mác, rượu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

“Một phần vì còn nhiều đối tượng hay uống rượu ham rượu giá rẻ. Nhưng quan trọng hơn cho thấy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ANTTP) chúng ta làm chưa tốt. Theo tôi, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, kể cả các hộ tự nấu rượu trong dân nhưng nếu có đem bán rượu thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, phải nộp thuế theo đúng quy định pháp luật” – ông Võ Văn Việt đề nghị.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, TS Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương cho rằng, hệ thống chính sách, quy định của pháp luật về ATTP và sản xuất kinh doanh rượu ở nước ta đã có tương đối đầy đủ, vấn đề là thực hiện ra sao. Cụ thể, theo Luật ATTP, rượu thuộc nhóm hàng hóa được nhà nước hạn chế kinh doanh, không khuyến khích sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất kinh doanh rượu là sản xuất kinh doanh có điều kiện, vì nó là thực phẩm liên quan đến sức khỏe con người.

“Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Cũng theo luật, rượu là sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải được đăng lý bản công bố hợp quy, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận… Như vậy, nếu cơ sở sản xuất rượu không có giấy phép, lại không có công bố hợp quy thì vi phạm pháp luật tới 2 lần” – TS Nguyễn Phú Cường phân tích.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 34 bệnh nhân

ngộ độc methanol, nhiều ca tử vong

Cũng theo ông Cường, theo quy định pháp luật, tất cả các sản phẩm rượu đều bắt buộc phải ghi nhãn: tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ, giấy tiếp nhận công bố hợp quy… Đối với rượu nhập khẩu, bắt buộc phải có nhãn phụ tiếng Việt. Ngoài ra, theo Nghị định 94 của Chính phủ thì muốn sản xuất kinh doanh rượu phải theo quy hoạch và có kiểm soát.

“Trước hết, cần hiểu rõ, methanol không được định nghĩa là rượu, đây chỉ là một thành phần gây hại không mong muốn có thể có trong rượu. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ngộ độc rượu là do cồn công nghiệp, không phải do rượu tự nấu. Vì thế, vai trò chính là phải từ chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền bảo, ngăn chặn các hành vi vi phạm về sản xuất kinh doanh rượu để bảo vệ người tiêu dùng” – ông Cường nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương bày tỏ, “có tới hơn 70% rượu tiêu dùng trong dân hiện nay là rượu không nhãn mác, như vậy thì nguy hiểm quá”. Từ đó, ông Hùng cho rằng: Tất cả các bộ ban ngành, các tổ chức đoàn thể phải cùng vào cuộc chứ không thể đổ hết cho quản lý thị trường. “Trước hết chính quyền phải kiểm soát, các lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng phải cùng vào cuộc, các đoàn thể phải vận động tuyên truyền…” – ông Hùng nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến khác đặt vấn đề: từ xưa đến nay người dân vẫn có thói quen uống rượu nấu như vậy tại sao không ngộ độc methanol mà gần đây lại tăng mạnh? Theo các đại biểu, nguyên nhân là rượu bị cố ý pha cồn công nghiệp vào chứ không phải cứ rượu tự nấu là gây ngộ độc. Vì thế, các đại biểu cho rằng điều cấp bách trước mắt là phải quản lý được cồn công nghiệp hoặc chí ít cũng phải có giải pháp tạm thời như bắt buộc cồn công nghiệp phải pha màu sặc sỡ để không thể cho vào rượu được.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần phân cấp, phân loại để quản lý cho phù hợp với rượu thủ công. Chẳng hạn các hộ tự nấu rượu để uống thì chỉ cần báo với xã phường, còn sản xuất để bán nhiều thì phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế….