Lương giáo viên không đủ sống, giáo dục khó hút người tài

ANTD.VN - Giáo viên quyết định thành công của việc đổi mới giáo dục nhưng nhiều bất cập xung quanh năng lực, trách nhiệm và chế độ đãi ngộ đang là những rào cản lớn.

Ông Trần Trung Ninh, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đời sống, mức lương giáo viên hiện nay ở nhiều nơi còn quá thấp, lại không có thu nhập từ dạy thêm nên giáo viên không thể tập trung cho chuyên môn. Nếu còn tình trạng này, dù chương trình, sách giáo khoa có đổi mới đến đâu thì việc thực hiện cũng khó thành công.

Lương giáo viên không đủ sống, giáo dục khó hút người tài ảnh 1Không tuyển được người giỏi vào ngành sư phạm, đổi mới giáo dục sẽ gặp nhiều khó khăn

Chưa được đãi ngộ thỏa đáng

Ông Trần Trung Ninh cho rằng, trong khi chúng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên thì tiền lương của đội ngũ “trồng người” lại không đủ đảm bảo đời sống, chính điều đó đã phần nào hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo. “Trong lần đổi mới Chương trình phổ thông tổng thể lần này, nếu vấn đề lương và đãi ngộ của giáo viên không được giải quyết thỏa đáng thì dù chương trình và sách giáo khoa có hiện đại và ưu việt cũng sẽ khó thành công” - ông Trần Trung Ninh nhận định.

Nhấn mạnh “tuyển dụng, đãi ngộ, đời sống vật chất - tinh thần đảm bảo là 3 yếu tố giúp người giỏi vào sư phạm, thầy cô gắn bó với nghề”, ông Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, đời sống của giáo viên, nhất là giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa còn rất khó khăn, chật vật. Nhiều thầy cô phải bơi qua một con sông mới đến trường. 

Về ý kiến này, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT nghiên cứu chế độ tiền lương đối với giáo viên phổ thông phù hợp với “Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: “Trước đây, giáo viên hưởng lương theo bằng. Do đó, mọi người đổ xô đi học thêm lên cao. Người ở nhà phải làm rất nhiều, lương thì vẫn thấp - người đi học về thì được lương cao hơn. Chính vì vậy, từ khi có Luật Viên chức, việc tính toán trả lương theo tiêu chuẩn chức danh, theo thứ hạng trong nghề nghiệp, trong đó trình độ bằng cấp không phải là yếu tố quyết định, mà là sức lao động bỏ ra. Do đó, các giáo viên có năng lực, cống hiến sức lao động nhiều theo logic sẽ dần dần thăng hạng và nâng mức lương”.

Loay hoay giải bài toán hút người giỏi

Ngoài vấn đề lương và chế độ chính sách đãi ngộ, ông Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) phân tích, hiện nay, sức hút cạnh tranh của ngành sư phạm còn yếu do không được bổ nhiệm vị trí công tác sau tốt nghiệp. 

Vì thế, trong khi các trường tư tuyển được giáo viên xuất sắc thì trường công không tuyển được. Ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng, việc tuyển dụng vào ngành sư phạm quá nhiều tiêu cực, không minh bạch, công bằng khiến nhân dân và học sinh chán nản nên không còn người giỏi vào sư phạm. Đó là nguyên nhân thực tế khiến vừa rồi thí sinh không còn nộp hồ sơ vào trường sư phạm.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Anh cũng đưa ra nhận định: “Ít nhất 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm phải tham gia đứng lớp, giáo viên khá giỏi chỉ đạt 20%, trong khi số lượng học sinh ngày càng lớn. Vì vậy, giáo dục phổ thông không thể nâng lên được mà chỉ dừng lại ở mức nào đó”. Theo ông Nguyễn Đình Anh, đội ngũ giáo viên đã và đang giảng dạy chương trình phổ thông được đào tạo bài bản, có trình độ trên chuẩn. Nhưng dạy học là nghề vừa mang tính khoa học lại vừa đòi hỏi người dạy phải có nghệ thuật, năng khiếu trong giảng dạy.

Từ đó, ông Nguyễn Đình Anh đề xuất khi tuyển sinh sư phạm thì ngoài kiểm tra kiến thức, cần có kiểm tra năng khiếu sư phạm.  Bên cạnh đó, các trường sư phạm không nên chỉ tuyển học sinh THPT mà tuyển sinh cả những sinh viên đã hoàn tất năm 3 hệ cử nhân khoa học có nhu cầu, mong muốn theo ngành sư phạm.

Như vậy, sinh viên chỉ học 1 năm chuyên ngành sư phạm ĐH Sư phạm chỉ đào tạo chuyên ngành sư phạm, việc đào tạo kiến thức chuyên môn do các trường khác đảm trách. Trong lúc học chuyên ngành sư phạm, sinh viên được khuyến khích hoàn tất chương trình cử nhân khoa học của trường thứ nhất đã theo học. Quan trọng hơn, tất cả sinh viên học trường sư phạm phải được cấp học bổng toàn phần, sau khi tốt nghiệp xong phải được bổ nhiệm mà không qua thi tuyển viên chức.