Lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc vụ "Chợ đồ cũ ở dưới chân cầu Thăng Long"

ANTD.VN - Chiều 21-11, Đội Quản lý thị trường số 9 và số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, phối hợp với phòng Phòng chống buôn lậu của Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh đồ cũ ở chân cầu Thăng Long.

Lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc vụ "Chợ đồ cũ ở dưới chân cầu Thăng Long" ảnh 1

Đồ phế liệu được bày trên các giá theo từng chủng loại

Khu tập kết đồ cũ này có diện tích khoảng 100m2, nằm dưới chân cầu Thăng Long. Chủ của cơ sở này là anh Đinh Văn Nam (ở tại thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh). Khu chợ được anh Nam quây lại bằng tôn, và lắp đặt 3 dãy kệ có nhiều tầng bằng khung sắt chứa đồ đạc để người mua dễ tìm kiếm.

Lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc vụ "Chợ đồ cũ ở dưới chân cầu Thăng Long" ảnh 2

Cán bộ Quản lý thị trường làm nhiệm vụ tại hiện trường, chiều nay 21-11

Hầu hết sản phẩm bày bán tại đây đã qua sử dụng. Nhiều sản phẩm hoen rỉ, đã hư hỏng, nếu muốn sử dụng phải gia công lại. Chính vì vậy, có khoảng 3-4 người thợ ngồi sửa đồ đạc cho khách hàng.

Khách đến mua chủ yếu là một số thợ sửa chữa đồ cũ. Họ đến tìm mua một số bộ phận máy móc, thiết bị có thể sử dụng để về lắp vào máy móc khác. Ngoài ra, có người đến mua một số đồ dùng có giá rẻ, tuy cũ nhưng vẫn có thể sử dụng được.

Hàng ngày có khá nhiều người là thợ sửa chữa và người dân đến mua hàng

Anh Nguyễn Văn Hùng (ở Bắc Ninh) cho hay: “Tôi đến đây tìm mua máy khoan cũ để sử dụng. Thi thoảng tôi vẫn qua đây tìm mua một số đồ về thay cho máy móc ở nhà bị hỏng hóc. Giá đồ ở đây chỉ cao hơn sắt vụn một chút, nhiều cái không sử dụng được, muốn mua được phải thử rất nhiều lần, may mới được cái máy còn chạy được”.

Khu vực thợ sửa chữa đồ dùng cho khách 

Anh Đinh Văn Nam - chủ khu chợ này giải trình: “Tôi kinh doanh sắt vụn, đồ cũ đã gần 20 năm nay. Khoảng 4 tháng nay tôi bắt đầu mở rộng kinh doanh, tập kết hàng về địa điểm này. Nguồn hàng tôi thu mua của một số công ty, nhà máy ở các khu công nghiệp Thăng Long, Phố Nối…. Và nguồn nữa từ những hộ gia đình bán những đồ gia dụng đã hư hỏng.

Sau khi mua về với giá sắt vụn, tôi phá ra, lấy sắt và đồng để bán riêng. Một số thiết bị, máy cắt, khoan… sẽ được thợ tháo riêng; cái nào dùng được sẽ bán. Hầu hết các đồ ở đây là đồ nội địa, có một số của Nhật sản xuất, tuy nhiên tất cả là hàng phế liệu thu mua sắt vụn chứ tôi không nhập từ nước ngoài về”.

Anh Nguyễn Văn Hùng (ở tại Bắc Ninh) người tìm đến "chợ" này để tìm mua chiếc máy khoan về sử dụng. Tuy nhiên anh Hùng mất gần 2 tiếng đồng hồ để thử nhưng vẫn chưa tìm được chiếc nào ưng ý

Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, anh Nam xuất trình được một Giấy phép kinh doanh hộ gia đình (địa điểm tại thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội do UBND huyện Đông Anh cấp vào tháng 5-2014), và một số giấy tờ liên quan đến hàng hóa bày bán.

Cơ quan chức năng đang xác minh về Giấy phép kinh doanh này, cũng như dấu hiệu vi phạm an toàn hành lang đường sắt để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.