Lừa đảo hay không, phụ thuộc vào hành vi bỏ trốn

ANTD.VN - Dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 - BLHS đó là người phạm tội có thủ đoạn "gian dối" xuất hiện ngay từ đầu...

Luật sư Vi Văn Diện - Công ty Luật Thiên Minh Địa chỉ: P12A10 - Toà nhà 18T2 đường Lê Văn Lương, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

Tôi quen một người và người này cho biết có thể xin việc cho con tôi vào làm ở một cơ quan nhà nước với mức “phí” 250 triệu đồng. Tin tưởng, tôi đã đưa cho anh ta tất cả 3 lần với tổng số tiền nói trên. Tuy nhiên, sau 2 năm anh ta vẫn không xin được việc cho con tôi. Khi tôi liên lạc và gặp thì anh ta khất lần rồi sau đó tắt điện thoại, bỏ đi nơi khác. Sau đó, tôi có nói chuyện với bố mẹ anh ta thì họ nói sẽ thu xếp trả cho tôi. Nhưng đến nay, tôi vẫn chưa lấy lại được tiền còn bố mẹ anh ta trở mặt nói không chịu trách nhiệm trong chuyện này. Luật sư cho tôi hỏi, hành vi trên của anh ta có phạm tội lừa đảo không và tôi cần phải làm gì để đòi lại tiền của mình?

Nguyễn Đình Bài (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trong trường hợp trên, tôi xin khẳng định đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tuy nhiên, để xác định hành vi của đối tượng trên có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thì cần phân tích ở nhiều góc độ. Dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 - BLHS đó là người phạm tội có thủ đoạn "gian dối" xuất hiện ngay từ đầu, người phạm tội cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản, nó xuất hiện trước hành vi chiếm đoạt.

Trong trường hợp trên, nếu đối tượng không có khả năng xin được việc cho con anh nhưng đưa ra thông tin như vậy để anh tin và tự nguyện giao 250 triệu đồng, sau đó bỏ trốn thì có căn cứ khẳng định đối tượng trên có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 - BLHS.

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm… Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7-15 năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên cũng cần phân biệt với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Nếu xác định việc giao và nhận tiền giữa hai bên hoàn toàn ngay thẳng và dựa trên cơ sở tín nhiệm, thân quen. Sau khi có được tài sản, đối tượng mới xuất hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn… thì có thể sẽ bị xem xét khởi tố hình sự theo Điều 140 - BLHS.