Lòng tốt không vụ lợi

ANTD.VN - Những hình ảnh về các thầy cô giáo, đặc biệt là thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương ở trường Tiểu học Sơn Ba thuộc huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã tình nguyện nuôi nấng, dạy dỗ một cậu học sinh tật nguyền 8 tuổi, chỉ nặng hơn 3kg đã khiến cộng đồng thực sự xúc động. Đó mới là lòng tốt không vụ lợi, đó mới thực sự là tấm lòng đáng trân trọng.

Cậu bé K’Rể là hậu quả của một cuộc hôn nhân cận huyết, cậu sinh ra chỉ chừng gang tay, 8 tuổi cân nặng cũng chỉ bằng đứa trẻ sơ sinh bình thường. Cũng vì lý do đó mà em không được gia đình cho đến trường, dù các thầy cô đã nhiều lần vận động gia đình. Thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương đã thuyết phục: “Hãy cho em ở với tôi một ngày, nếu ở được thì tôi xin em đến học ở trường”. Vậy là, suốt 1 năm qua, K'Rể đã được đi học. Em được ở nội trú, được thầy hiệu trưởng quan tâm, chăm sóc như con đẻ, khi ốm đau lại được thầy đưa về chăm sóc, thuốc thang. 

Câu chuyện về thầy Cương khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện khiến dư luận xôn xao mấy ngày gần đây, về người cha của 2 đứa trẻ tật nguyền. Anh Đặng Hữu Nghị đã từng làm cả cộng đồng xúc động khi truyền thông loan truyền hình ảnh người cha một mình nuôi hai con tật nguyền trong hoàn cảnh vô cùng khốn khó. Nhưng rồi tất cả “ngã ngửa” khi màn kịch được phơi bày. Người cha đã lợi dụng hai đứa trẻ để tìm kiếm lòng thương hại của người đời, và trong mấy năm qua người cha đã  kiếm được hàng tỷ đồng từ màn kịch này. 

Nhưng tôi vẫn tin rằng cha mẹ không ai không yêu thương con, có điều lòng tự trọng là thứ người cha này không có. Chỉ là, người viết muốn đặt hai câu chuyện gần nhau để chúng ta trân quý hơn những điều tốt đẹp của xã hội. Để thấy, khi có người sẵn sàng vụ lợi trên chính con đẻ của mình, thì vẫn có những người sẵn sàng dang vòng tay che chở, giúp đỡ cả “người dưng”. 

Hay đây đó hàng ngày, chúng ta vẫn thấy những người đẹp hay nhiều doanh nghiệp đi làm từ thiện, ồn ào trưng bảng hiệu, chụp ảnh quảng bá trên truyền thông. Đó có thể cũng là lòng tốt, nhưng cũng có thể là có mục đích khác nhau. Nhưng tôi thì vẫn đồng ý rằng lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà “người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy” -  như lời một nhà văn nổi tiếng thế giới từng nói. Và vì thế, tôi vẫn thấy xúc động với câu chuyện về lòng tốt của thầy Đặng Văn Cương và các thầy cô ở trường Tiểu học Sơn Ba. Với họ, làm việc tốt vốn đã là món quà cho chính bản thân mình rồi.