Lo ngăn chặn sốt xuất huyết xâm nhập trường học

ANTD.VN - Lo gia tăng số ca bị nhiễm sốt xuất huyết sau khi học sinh tựu trường, toàn ngành giáo dục Thủ đô phải ra sức phòng chống dịch.

Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, các trường học của Hà Nội đang chủ động phối hợp với ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Do thời tiết mưa ẩm kéo dài, các trường học đều lo lắng trước khả năng hình thành ổ dịch mới khi năm học mới chính thức bắt đầu trong tháng 9 tới.

Lo ngăn chặn sốt xuất huyết xâm nhập trường học ảnh 1Các trường học chú ý đến việc phun thuốc muỗi đúng quy cách, không để ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh

Lo nhất là khối mầm non 

 Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết, toàn bộ các trường học trên địa bàn quận này đang kết hợp chặt chẽ với trung tâm y tế dự phòng để tiến hành phun thuốc muỗi trong trường học. “Các trường đều đã được yêu cầu tổng vệ sinh, rà soát mọi khu vực để xóa các ổ bọ gậy, lăng quăng. Việc phun thuốc muỗi sẽ do cơ quan y tế địa phương phối hợp tiến hành phun nhiều lần tại từng trường.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về cách phòng chống sốt xuất huyết đang được các nhà trường tích cực thực hiện. Tuy nhiên, đáng lo nhất vẫn là khối mầm non vì lứa tuổi trẻ đến trường còn quá nhỏ, sức đề kháng kém, lại chưa biết cách tự bảo vệ” - ông Lê Hồng Vũ chia sẻ. Để khắc phục tình trạng này, các trường mầm non được ưu tiên hàng đầu trong việc dọn vệ sinh, phun thuốc định kỳ, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh trong thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh.

Ở bậc tiểu học, việc phòng chống dịch cũng được Ban giám hiệu các trường đặc biệt quan tâm. “Là trường nằm trong khu vực bùng phát mạnh dịch sốt xuất huyết nên nhà trường đã chủ động cập nhật liên tục những biện pháp phòng chống. Để chuẩn bị cho dịp khai giảng, trường đã tổng vệ sinh trong và ngoài lớp học, dọn sạch, không để các điểm tập trung rác thải, làm sạch những nơi đọng nước, ẩm thấp trong khuôn viên của trường cũng nhưng những khu vực xung quanh nhà trường theo đúng hướng dẫn của ngành y tế” - bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, Đống Đa cho biết. 

UBND quận Đống Đa đã phát tờ rơi đến các cơ quan, trường học để tuyên truyền về cách phòng chống sốt xuất huyết. “Quận đã có kế hoạch phun thuốc các khu vực trọng điểm. Tuy nhiên, nhà trường đã chủ động dùng nguồn kinh phí của mình để tiến hành phun thuốc chống muỗi trong trường ngay trong đợt dịch này” - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên cho biết.

Lo ngăn chặn sốt xuất huyết xâm nhập trường học ảnh 2Các trường học ở Hà Nội đang tích cực vệ sinh, phun thuốc chống muỗi đề phòng dịch sốt xuất huyết

Không thể chủ quan 

Mặc dù đã tích cực tổng vệ sinh trường học nhưng trước điều kiện thời tiết Hà Nội liên tục mưa mấy ngày qua, các trường khá lo ngại. Ông Lê Hồng Vũ cho biết, có những trường cơ sở vật chất đã cũ, mưa ẩm sẽ kéo theo tình trạng ngập úng, ẩm ướt. Đây sẽ là điều kiện  để bọ gậy, lăng quăng sinh sôi. Các trường không thể chủ quan dù đã dọn vệ sinh, phun thuốc muỗi. Còn Bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, các trường đều được yêu cầu cập nhật thông tin liên tục qua đường dây nóng về trung tâm y tế quận. Qua đó, nếu phát hiện trường hợp học sinh bị sốt xuất huyết thì sẽ được hướng dẫn cách xử lý kịp thời, tránh phát sinh ổ dịch trong trường học.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần chú ý tới việc phun thuốc muỗi tránh ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Hiện nay, học sinh THCS và THPT đã chính thức vào năm học. Việc phun thuốc muỗi cần bố trí vào thời điểm học sinh được nghỉ.

Được biết, vừa qua, trường THCS Quang Trung, Đống Đa đã phải gửi thông báo tới toàn thể các phụ huynh về sự việc ngày 14-8 có một số học sinh bị phản ứng thuốc muỗi gây mẩn ngứa. Trường THCS Quang Trung phun thuốc muỗi từ 15h thứ sáu ngày 11-8 và đến 14-8, khi học sinh đi học buổi đầu tiên thì có một số cháu xuất hiện triệu chứng trên. Nhà trường đã hướng dẫn bố mẹ tra thuốc mắt cho các con, nếu ngứa thì chườm đá, trong trường hợp nổi mề đay thì cho uống thuốc dị ứng… 

“Tình trạng dị ứng sau khi phun thuốc muỗi có thể xảy ra với những trẻ có cơ địa dị ứng. Do vậy, nếu trẻ bị dị ứng với hóa chất diệt muỗi thì các thầy cô giáo cần phối hợp với y tế nhà trường để chăm sóc trẻ. Hóa chất phun thuốc được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo an toàn, thời gian cách ly tối thiểu chỉ từ 1 đến 2 giờ, do vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng”.

TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội