Lo ngại cúm gia cầm bùng phát khi gà lậu "vượt biên"

ANTD.VN - Cục Thú y, Bộ NN&PTNT vừa quyết định thành lập 8 đội ứng phó nhanh để xử lý trường hợp phát hiện cúm gia cầm H7N9 tại Việt Nam. 

Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã thành lập 5 đoàn kiểm tra tại các tỉnh biên giới phía Bắc gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh - là những nơi có nguy cơ tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, virus cúm gia cầm A/H7N9 chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng có nguy cơ lây nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Lo ngại cúm gia cầm bùng phát khi gà lậu "vượt biên" ảnh 1Dịch cúm gia cầm vẫn đe dọa sản xuất trong nước

Độc lực của virus cúm gia cầm tăng lên

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, ngày 25-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin về một số thay đổi độc lực của virus cúm H7N9 ở gia cầm. Theo đó, kết quả giải trình tự gene của virus được phân lập từ 2 bệnh nhân cúm H7N9 tại Quảng Đông, Trung Quốc cho thấy, virus đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

“Sự liên tục thay đổi là một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp. Điều quan trọng là phải tiếp tục cảnh giác với sự thích ứng của virus cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú khác. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 làm lây truyền dễ dàng từ người sang người”, ông Đàm Xuân Thành cho biết.

Tại Việt Nam, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, từ những năm 2014 đến nay, chúng ta đã giám sát rất chặt chẽ các loại dịch cúm trên gia cầm; lấy hơn 200.000 mẫu giám sát và chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã giám sát chặt chẽ và chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên người. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, cả nước đang có 13 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 6 tỉnh chưa qua 21 ngày gồm: Bạc Liêu, An Giang, Đồng Nai, Nghệ An, Sóc Trăng và Nam Định; đồng thời tỉnh Quảng Ngãi có ổ dịch cúm gia cầm H5N6. 

Gia cầm vẫn thẩm lậu vào trong nước

Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất chống sự xâm nhập của virus cúm H7N9 từ Trung Quốc sang là phải kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập lậu qua biên giới. Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng chức năng một số tỉnh biên giới vẫn phát hiện có gia cầm lậu từ Trung Quốc sang.

Cụ thể như ngày 17-2, lực lượng hải quan Lạng Sơn đã bắt giữ 1.700 con vịt nhập lậu, đã bàn giao cho lực lượng chức năng tiêu hủy. Ngoài ra, theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, nhu cầu con giống tăng cao nên tình trạng nhậu lậu gia cầm giống đang “nóng” lên. 

Trong khi một con gà, vịt một tuần tuổi ở Trung Quốc chỉ có giá 2 đồng NDT (tương đương 6.000-7.000 đồng Việt Nam) nếu vận chuyển trót lọt vào Lạng Sơn, giá có thể lên tới 15.000-17.000 đồng/con. Do vậy, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu qua các đường mòn biên giới qua khu Nà Phát, Nà Quân (Cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình) đang gia tăng. 

Đêm 7-2, Đội QLTT số 4 huyện Chi Lăng phối hợp với Trạm CSGT Tùng Diễn kiểm tra xe ôtô tải mang BKS: 29C-025.30 do ông Chu Văn Ánh, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn điều khiển và ông Nguyễn Toàn Thắng, trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn là chủ hàng đã vận chuyển 6.500 vịt con giống loại 5-7 ngày tuổi có nguồn gốc từ Trung Quốc sang. Chủ hàng khai đã thu gom số gia cầm giống từ khu vực Cửa khẩu Chi Ma rồi vận chuyển theo về tỉnh Bắc Giang tiêu thụ. 

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến “nóng”, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, Thường Tín (Hà Nội) cho biết, Ban Quản lý chợ đã tăng cường cán bộ trực từ 2 người/ca lên 4 người/ca để phối hợp với các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an giám sát chặt chẽ các xe chở gia cầm, thủy cầm ra vào chợ phải có nguồn gốc xuất xứ. Trường hợp nào không chấp hành sẽ lập biên bản chuyển cơ quan chức năng quản lý nguồn gia cầm vào chợ. Trung bình, mỗi ngày có hơn 30.000 con gia cầm được các thương lái vận chuyển về chợ đầu mối này.

UBND TP Hà Nội đã có công điện yêu cầu người chăn nuôi báo dịch khi phát hiện có gia cầm ốm, chết bất thường; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch.