Khám phá thung lũng sục sôi Owakudani:

Lên núi lửa, ăn trứng luộc, để... thọ thêm?!

ANTD.VN - Núi lửa là một “đặc sản” của Nhật Bản. Lúc nhìn nước Nhật trên bản đồ thế giới, tôi có cảm giác bất an: Một tập hợp những hòn đảo li ti giữa biển nước mênh mông và trên đó chất đầy những ngọn núi lửa đang hoạt động. 128 triệu người đang ăn và ngủ cùng những giếng dung nham sẵn sàng phun trào bất cứ lúc nào. 

Lên núi lửa, ăn trứng luộc, để... thọ thêm?! ảnh 1Nữ nhà văn Di Li ở độ cao 1.050 mét trên thung lũng sục sôi trực tiếp xem luộc trứng

Tôi xuống Sân bay Narita vào một sáng mùa thu tháng 9. Sân bay Narita nằm ở Chiba, cách Thủ đô Tokyo của Nhật Bản một giờ đi tàu tốc hành, từ đó khởi hành đi Hakone, một thị trấn xinh đẹp ở tỉnh Kanagawa, nơi có đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ. Xe chạy men qua Tokyo, một trong những đô thị có mật độ dân cư đông nhất thế giới.

Bình minh ở một thành phố xa lạ luôn đem lại trong lòng cảm giác thật lạ lùng, có chút gì đó cô đơn và ngượng ngập giữa dòng người tấp nập, khi mà những cư dân đông đúc đang hối hả đến sở làm thì mình lại thanh thản đi chơi. Và dường như bạn sẽ bị bỏ quên, bị biến thành vô hình giữa những xa lộ ngồn ngộn xe cộ này. Tôi sẽ không bao giờ quên được 2 ngày ngắn ngủi ở Hakone, với những con đường vắng vẻ, dân cư thưa thớt, khí trời luôn se lạnh, nắng vàng rượi như mật ong và cảnh sắc đúng muôn phần như những gì tôi vẫn hình dung về nước Nhật. 

Hakone cách Tokyo 170km, dường như tách biệt hẳn những ồn ã của thị thành. Lúc này mới nửa trưa, và theo lịch trình tôi sẽ tham quan thung lũng Owakudani (“Thung lũng sục sôi”) - là một vết tích của núi lửa. Núi lửa là một “đặc sản” của Nhật Bản.

Lúc nhìn nước Nhật trên bản đồ thế giới, tôi có cảm giác bất an: Một tập hợp những hòn đảo li ti giữa biển nước mênh mông, và trên đó chất đầy những ngọn núi lửa đang hoạt động. 128 triệu người đang ăn và ngủ cùng những giếng dung nham sẵn sàng phun trào bất cứ lúc nào. Động đất và sóng thần năm nào cũng “sờ gáy” 4 hòn đảo Nhật Bản chơ vơ giữa Thái Bình Dương. Tôi là kẻ lớn lên ở vùng đồng bằng lùi sâu trong lục địa, quen tư duy “lưng tựa núi mặt ngoảnh sông”, tư thế vững chãi, tư thế quần cư đã ăn sâu từ 4.000 năm lịch sử, khó mà quen được sự thích nghi tự nhiên khắc nghiệt đến thế. 

Lên núi lửa, ăn trứng luộc, để... thọ thêm?! ảnh 2Nơi đây nổi tiếng với món trứng luộc trong các suối nước nóng, điều đặc biệt trứng chuyển sang màu đen và có mùi nhẹ của sulfuric

Lúc đến lưng chừng thung lũng Owakudani, tôi đã thấy một mùi rất lạ, như một hoạt chất sinh học đang tỏa ra từ phòng thí nghiệm. Mùi lưu huỳnh. Chính xác hơn là Sulfur Hydro. Lưu huỳnh đơn chất thì không mùi không vị, khi đốt nóng với nước thì nó sinh ra cái mùi trứng ung khủng khiếp. Đứng từ dưới đã thấy những cột khói trắng bốc hơi từ nhiều địa điểm trên sườn núi. Đó là những vũng nước nóng từ mạch suối ngầm trong khu vực núi lửa.

Thung lũng này được hình thành từ lần phun trào cuối cùng của núi lửa Hakone cách đây 3.000 năm, và cũng nhờ những vết đứt gãy của núi lửa mà Hakone có rất nhiều suối nước nóng lưu huỳnh, trở thành điểm du lịch đắc địa cho du khách từ khắp nơi trên thế giới. Riêng nồng độ lưu huỳnh ở Owakudani thì vô cùng đậm đặc.

Tôi bắt đầu leo bộ lên ngọn núi trắng cỏ lau và khói lưu huỳnh, cao 1.050m so với mực nước biển, và chỉ mới leo một đoạn đã bắt gặp những tiếng sôi lục bục của các vũng nước lộ thiên từ một mạch suối ngầm. Nước suối luôn sôi sùng sục ở nhiệt độ 900 độ C và có màu xanh ngọc trong vắt, từ đó lưu huỳnh bốc lên thành những cột khói trắng kỳ ảo cả ngày lẫn đêm.

Có cảm giác như ngọn núi này giống một vật thế sống, luôn chuyển động và sẵn sàng thức dậy bất cứ lúc nào. Hình ảnh của những vũng nước sôi khiến ngay lập tức tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết trinh thám đọc hồi nhỏ. Cô chiêu đãi viên hàng không bị truy đuổi trong bóng tối mịt mùng của xứ Iceland đã rất khó khăn để tránh những hố nước sôi đang lục bục trên băng tuyết. Trên băng tuyết mà nước vẫn sôi. Lúc ấy tôi đã ngạc nhiên lắm. Nhưng Nhật Bản cũng vậy thôi, nằm ngay trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khi mùa đông đến, thung lũng Owakudani này sẽ ngập đầy tuyết, nhưng các vũng nước thì vẫn cứ sôi lên sùng sục và bốc khói. Khói trắng sẽ lởn vởn trên tuyết trắng. Còn hình ảnh nào ảo huyền hơn thế. 

Lên núi lửa, ăn trứng luộc, để... thọ thêm?! ảnh 3 Thung lũng Owakudani khá yên tĩnh, cảnh vật đẹp tạo bởi bàn tay tự nhiên

Lưu huỳnh nếu sử dụng hợp lý thì có lợi cho sức khỏe. Vì vậy cả vùng Hakone đinh ninh rằng ăn một quả trứng luộc tại suối nước nóng này sẽ tăng thêm 7 năm tuổi thọ. Chẳng ai đến Owakudani mà lại không ăn trứng luộc. Vì thế trứng luộc sẵn nóng hổi được đem bán với giá 20USD/chục quả. Lên gần đỉnh núi thì còn được tận mắt chứng kiến người ta luộc trứng. Hàng trăm quả trứng được đưa vào những rọ sắt vuông rồi đem nhúng sâu xuống suối nước đang sôi sùng sục, vài phút sau nhấc lên, những quả trứng trắng phau đã chuyển thành màu đen sì.

Đó là phản ứng của lưu huỳnh. Ở ngay dưới lối vào người ta cũng dựng một quả trứng đen khổng lồ đang mỉm cười, biểu tượng của Owakudani. Tôi những muốn ăn cả chục trứng cho sống thêm 70 tuổi. Trứng luộc nước lưu huỳnh tuyệt ngon, thơm và ngậy, hay đang đói mà tôi tưởng tượng thế. 

Dọc quãng đường trên xa lộ, chúng tôi hầu như ăn uống rất ít, vì các loại bánh trái ở những trạm dừng không được ngon, lại toàn là bánh nhân cà ri. Trước đó hai tháng tôi đã ở Ấn Độ một tuần lễ nên hình thành phản xạ sợ cà ri. Nói về ăn uống thì người Nhật nổi tiếng với hai món là cá hồi và bò Kobe. Khi chế biến xong thì hoặc là lẩu bò hầm nấm, hoặc là sushi cá hồi, đấy là món ăn ở các nhà hàng sang trọng, còn bữa cơm bình dân thì khá đạm bạc và khó ăn. 

Bữa sáng, chúng tôi được phát một bát cơm nguội (nghĩa là cơm không nóng), một con cá khô nhỏ nguội, một quả trứng luộc nguội và một ít rong biển. Tất cả đều lạnh ngắt. Người Nhật có thói quen ăn đồ nguội mà Sushi thì cũng là một dạng đồ nguội tiêu biểu. Sáng dậy còn ngái ngủ, khó ăn, vậy mà chẳng có thứ gì nóng sốt, toàn đồ nguội tanh nguội ngắt, chẳng ai nuốt nổi. Tôi ăn mì gói tất cả các bữa sáng trên đất Nhật Bản. 

Dẫu sao thì tôi cũng có thể kết luận, bữa sáng trên toàn thế giới không đâu bằng Việt Nam. Trứng nguội và rong biển ở Nhật; bánh bao chay và ca la thầu ở Trung Quốc; cà ri rau và bánh bột mì ở Ấn Độ; bánh mì nướng và mứt dâu ở châu Âu. Cứ trường kỳ như thế, không bao giờ thay đổi thực đơn. Mỗi lần nghĩ đến những bữa sáng trong các chuyến đi dài, tôi lại như ngây ngấy sốt. “Sảy nhà ra thất nghiệp”, lấy đâu ra bún riêu, bún ốc, bún thang, bánh đa cá, miến cua, miến lươn, phở bò, mì vằn thắn, bánh cuốn, bánh chưng rán, xôi xéo, xôi lạp xường, bánh mì kẹp, trứng vịt lộn và thậm chí cả bún chả, bún đậu mắm tôm cho bữa sáng. Hàng trăm món trong thực đơn sáng trên những vỉa hè chật chội ở Hà Nội. 

Nhưng ẩm thực Nhật thì hấp dẫn ở món sushi cá hồi. Không hiểu sao ăn đồ Nhật ở các xứ khác như Trung Quốc, Thái Lan… thì giá cả vẫn vào hàng bình dân nhưng khi về đến Việt Nam nó lại được nâng lên thành đặc sản cao cấp. Hàng hóa cũng vậy, đồ Nhật cực rẻ, từ mỹ phẩm, quần áo, đồ làm bếp cho đến đồ điện tử đều rất hợp lý về giá cả, nhưng sang đến Việt Nam nó lại thành xa xỉ phẩm. Có lẽ vì sự tôn sùng thương hiệu Nhật chăng? 

Trước khi sang Nhật, tôi cứ nghe đồn đại về sự đắt đỏ của xứ này, nhưng có lẽ chỉ có hai thứ đắt không chịu nổi ở đây là giá taxi và giá bất động sản, còn thì nhiều thứ rẻ hơn Việt Nam. Ngay cổng khách sạn tôi ở có cửa hàng 100 Yên (khoảng 1 USD). Siêu thị 100 Yên có mặt ở khắp mọi nơi trên nước Nhật, là thứ luôn gây hào hứng cho du khách Việt Nam nếu lần đầu tiên đến Nhật. Tất cả đồng giá 100 Yên, trăm thứ bà rằn, từ đồ lặt vặt như bấm móng tay, lược chải tóc, đồ chơi cho đến bánh kẹo và đồ nhựa gia dụng. Nó rẻ bèo, nhưng có chữ Nhật, có “Made in Japan”, về đến Việt Nam nó lại thành sang trọng.