Làng "dao bom" biến tử thần thành nông cụ

ANTD.VN - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở nhiều xã biên giới thuộc tỉnh Hà Giang thi thoảng vẫn còn tiếng pháo nổ. Nhưng đạn pháo còn dày đặc dưới lòng đất không làm họ sợ. 

Người dân xã biên giới Minh Tân có truyền thống rèn dao từ mảnh pháo H12

Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang) là xã biên giới, một phần phía Tây giáp Trung Quốc. Thổ nhưỡng của vùng toàn đất pha đá hoặc đá khối tai mèo nên đời sống bà con vô cùng khó khăn. Ngoài việc trồng ngô, khoai, sắn thì họ chẳng có một thu nhập nào khác, nên trong cái khó đã “ló” cái khôn.

Theo ông Phàn Văn Hạc, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc thì các xã giáp biên là điểm nóng của bom mìn, đạn pháo. Ở Hà Giang, tôi hay được nghe câu nói: “Đốt lửa và đào đất thì bỏ đi xa”. Hỏi ra mới biết, ở nhiều nơi, dù đốt lửa hay đào đất thì cũng dễ vong mạng. Bởi lẽ bất cứ chỗ nào cũng có mìn sót lại từ thời chiến, từ những nẻo đường rừng hoang thẳm, khắp nương rẫy, khe suối, thậm chí có trên cả cành cây.

Dao chém đá không sứt mẻ

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh Thủy xác nhận: “Những câu chuyện thảm khốc và đau lòng đã xảy ra trên mảnh đất vùng biên này. Bom đạn không bỏ qua ai, từ những người lính thời bình đến những người dân thường. Họ đã sống chung với tử thần từ bao nhiêu năm nay. Người dân nhiều nơi bị mất mạng hoặc thương tật oan nghiệt từ bom đạn”.

Đây là xã nghèo nhất của huyện Vị Xuyên. Nhưng dù nghề rèn ở Minh Tân có từ lâu đời, chúng tôi không thể khuyến khích nghề này để xóa đói giảm nghèo được.

Ông Phàn Văn Hạc, Chủ tịch UBND xã Minh Tân 

Nhưng nguy hiểm ấy không làm người Minh Tân sợ hãi. Ngay sau cuộc chiến, những người thợ rèn lành nghề vùng biên đã tận dụng những quả đạn pháo bị xịt để rèn ra những con dao bền đẹp nức tiếng. Cho đến bây giờ ở Minh Tân, đặc biệt là các bản như Phìn Sảng, Tà Lẻng, Hoàng Ly Pả, Khâu Ngày thì 100% dao và các nông cụ đều được rèn ra từ đạn pháo.

“Dao làm từ các mảnh pháo có đặc điểm là cực bền, chém vào đá cũng không sứt mẻ. Rất nhiều người khắp nơi thích thú với “dao bom” Minh Tân nhưng người dân không coi đây là nghề chính, nên mua được một cái cũng rất khó”, ông Hạc cho hay.

Dùng than nghiến để luyện dao thì dao chém đá cũng không sứt mẻ

Vào rừng “săn” mìn

Ông Triệu Văn Chúng là một trong những thợ rèn “dao bom” nổi tiếng ở Minh Tân cho biết, nếu có nguyên liệu từ các mảnh đạn pháo, một ngày ông có thể rèn được 4 chiếc dao. Mỗi chiếc bán với giá 300.000 đồng, thì một ngày có thể thu về 1,2 triệu đồng.

Còn ông Triệu Văn Hạ ở Phìn Sảng lại khẳng định, ông có thể hoàn thành 2 chiếc lưỡi cày phá đá trong vòng chưa đầy một ngày. Mỗi chiếc bán được 800.000, hai chiếc là 1,6 triệu đồng. Kiếm sống như thế dễ chẳng khác nào thò tay vào chậu bắt cá.

Thế nhưng quan trọng nhất, và nguy hiểm nhất, là việc tìm được nguyên liệu để rèn. “Có mảnh pháo thì mới làm được. Không có thì phải vào rừng mà kiếm thôi. Nhưng kiếm được thì cũng nguy hiểm lắm, nhỡ nó phát nổ thì không còn đường về”, ông Chúng cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Minh Tân hầu hết các thợ rèn không ít thì nhiều đã từng vào rừng “săn” mìn về rèn dao. Mỗi chuyến đi của họ kéo dài vài ngày, có khi họ nói dối vợ con vào rừng tìm nấm, nhưng thực ra là tìm những mảnh đạn pháo còn bị chôn vùi trong đất đá.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng cho hay, ở Minh Tân thì chưa có trường hợp nào nhưng ở Thanh Thủy, số người bị tật nguyền, cụt chân cụt tay vì mìn thì nhiều lắm rồi. Có những nơi được cảnh báo có mìn nhưng người dân vẫn vô tư ra vào rừng, không biết sợ.

Sản phẩm “dao bom” ở Minh Tân

Than nghiến luyện dao

Ông Triệu Văn Chúng và các thợ rèn ở Minh Tân cho biết, để luyện “dao bom” thì phải dùng đến than từ cây nghiến thì mới mong sản phẩm ưng ý. Cho nên ở đây, người dân ngoài việc đi tìm các mảnh pháo sót lại thì còn vào rừng thu lượm những khúc nghiến mà bọn lâm tặc để lại.

Họ không mang gỗ nghiến về nhà mà đào một cái hố rồi đốt gỗ lấy than. Than ấy được đem về cho vào lò để nung đỏ những mảnh pháo cứng. Bàn tay rắn chắc và khéo léo của những người thợ rèn vùng biên chỉ trong vài tiếng đã biến mảnh pháo thành con dao sáng quắc.

“Thực ra luyện dao bằng gỗ tạp cũng được nhưng lửa sẽ non và dao không bén, không bền. Luyện bằng than nghiến thì lửa sẽ già và sắt sẽ chín. Dao luyện xong chém đá cũng chẳng mẻ”, ông Chúng khẳng định.

Hiện nay ở Minh Tân, nghề rèn dao không còn phổ biến nhưng các nông cụ sản xuất như liềm, dao, cuốc… hầu hết lại được làm từ các mảnh đạn pháo. Họ hầu như không mua các loại dao có trên thị trường mà chỉ dùng sản phẩm do chính mình làm ra.

Gọi đây là làng “dao bom” nhưng thực ra chẳng ai dám khuyến khích họ hành nghề. Cũng không cấp chính quyền nào công nhận cho họ nghề truyền thống vì mức độ nguy hiểm. Nhưng người dân, vì một lý do nào đó cứ nối tiếp nhau sản xuất ra những vật dụng từ những mảnh bom mìn và đạn pháo.