Làm thế nào để giúp người mà không lụy đến thân?

ANTD.VN - Không cứu giúp người gặp tai nạn không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức mà còn là hành vi phạm tội. Nhưng, hiện nhiều người thấy người gặp nạn mà không cứu giúp. Phải chăng chúng ta đang dần vô cảm với chính đồng loại của mình vì sợ liên lụy đến bản thân, hay sợ gặp rắc rối? 

Nói về trường hợp này anh Vương Trọng Hiếu (Hà Nội) cho biết: “Nhiều trường hợp người đi đường muốn giúp người gặp nạn nhưng họ sợ mình sẽ bị ảnh hưởng, sợ người nhà người bị nạn nghĩ mình là người gây tai nạn chứ không phải là người giúp đỡ”.

Không chỉ sợ gia đình nạn nhân hiểu lầm, nhiều người còn ngại phải trở thành nhân chứng trả lời cơ quan chức năng mà nhiều người có tâm lý sợ “đen đủi”. Nhiều trường hợp, bản thân người tham gia giao thông khi gặp các vụ tai nạn sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, nhờ ai trông giữ xe, tài sản của mình và nạn nhân để đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu…

Mặc dù vậy, rất nhiều người giúp người bị tai nạn trên đường không phải do sợ pháp luật xử lý hành vi không cứu giúp mà bởi lương tâm không cho phép làm ngơ.

“Có lần đi làm về trên đoạn đường Láng (Hà Nội), tôi thấy một chị bị mấy thanh niên chạy xe lạng lách, tạt đầu xe nên bị ngã. Lúc đó giữa trưa, có rất nhiều người qua lại nhưng họ vẫn làm ngơ chạy tiếp hoặc đứng bên vệ đường ngó nghiêng chứ không ai ra giúp đỡ. Tôi đã từng bị ngã xe, tôi biết cảm giác đau vì vết thương chỉ một phần nhưng bị mọi người bỏ lơ, không ai giúp đỡ thì tủi thân lắm. Thế nên tôi đã dừng lại giúp chị ấy”, anh Trung Nam (35 tuổi, ở Hà Nội) cho biết.

Anh Nguyễn Hải Dương (một kỹ sư, ở Hải Dương) chia sẻ: “Khi còn là sinh viên, trên đường về nhà đêm khuya, đến đoạn có công trình thi công đường cống, tôi phát hiện dưới ruộng có chiếc xe đang nổ máy và một người bị đè bên dưới, cánh tay đưa lên. Một phút lưỡng lự: Chạy luôn hay dừng? Và tôi lo ngại nếu dừng mà không ai hay biết, không may nạn nhân chết từ trước đó, tôi sẽ trở thành tội đồ. Chạy qua một đoạn chừng 50m, tôi lại nghĩ nếu mình đi luôn mà người ta chết thì lương tâm cắn rứt. Giúp người thì cái tâm đừng quá cân đo nên tôi giúp họ”.

Có thể nói để giảm những thiệt hại về người sau những vụ tai nạn giao thông thì sự giúp đỡ các nạn nhân của những người xung quanh có vai trò quan trọng. Mỗi người tham gia giao thông hãy đặt mình vào vị trí người bị nạn để có những ứng xử phù hợp. 

Bên cạnh việc cứu giúp được người bị nạn, chúng ta cũng nên bảo vệ bản thân mình trước những hiểu lầm không đáng có. Vì thế, chúng ta nên gọi thêm người cùng giúp đỡ nạn nhân. Sau đó, gọi công an nơi gần nhất để họ biết thông tin cứu người bị nạn, cũng như đi cùng đưa nạn nhân đến bệnh viện để tránh trường hợp bị vạ lây.