"Kỷ luật thép" với hành vi hút thuốc và xả rác nơi công cộng

ANTD.VN - Vì lợi ích sức khỏe cộng đồng và giữ gìn môi trường trong sạch, nhiều quốc gia trên thế giới đã “mạnh tay” áp dụng các hình phạt để hạn chế hút thuốc lá và xả rác tại nơi công cộng.

"Kỷ luật thép" với hành vi hút thuốc và xả rác nơi công cộng ảnh 1

Vũ công nhảy múa trong một chiến dịch cổ động không hút thuốc lá ở Bắc Kinh (Trung Quốc)

Không thuốc lá - xu hướng toàn cầu

Cuối năm 2016, Trung Quốc đã cân nhắc ban hành một lệnh cấm hút thuốc tại các nơi công cộng trên toàn quốc. Hiện có hơn 300 triệu người hút thuốc lá ở Trung Quốc và mỗi năm có 1 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá. Do vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi xướng một chiến dịch lớn nhằm chống hút thuốc lá.

Tại thành phố Bắc Kinh, nếu hút thuốc lá nơi công cộng, có thể bị phạt 200 NDT (tương đương hơn 670.000 đồng). Một tổ chức có tên Hiệp hội Kiểm soát thuốc lá Bắc Kinh cũng được thành lập để phát hiện người cố tình không tuân thủ. Khoảng 2.700 người đã bị xử phạt kể từ khi có quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng ở Bắc Kinh.

Cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng đang trở nên phổ biến ở các quốc gia châu Á. Năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng ban hành lệnh cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng trên toàn quốc, kể cả thuốc lá điện tử. Cá nhân vi phạm sẽ phải nộp 500 Peso (tương đương hơn 220.000 đồng) hoặc phải ra tòa.  

Trong khi đó, tại đảo quốc Sư tử - Singapore, hút thuốc lá bị hạn chế tại những khu ăn uống, quán cà phê, cửa hàng đồ ăn nhanh từ ngày 1-7-2006. Đối với những cơ sở có khu vực ngoài trời, chỉ có 10-20% diện tích cho phép hút thuốc lá và được đánh dấu rõ ràng. Sau đó, các quy định này được mở rộng tới khu vực có nhiều trẻ vị thành niên và bệnh nhân... Người vi phạm sẽ bị phạt 200 đô la Singapore (tương đương hơn 3,2 triệu đồng) trong khi chủ cơ sở cũng "chung số phận".

Còn tại Nhật Bản, hồi tháng 10-2016, giới chức y tế Nhật Bản đã đưa ra dự thảo cấm hút thuốc mới, trong đó quy định thêm nhiều nơi cấm hút thuốc và áp dụng hình phạt với những người vi phạm lần đầu. Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản đệ trình dự thảo luật này lên Quốc hội với hy vọng sớm áp dụng được từ năm 2017.

Theo trang Wikipedia thống kê, hiện có 110 vùng lãnh thổ và quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế thuốc lá. Các quốc gia ở châu Á không phải là nơi duy nhất áp dụng lệnh cấm thuốc lá ở nơi công cộng. Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia phát triển khác cũng có quy định tương tự. Hút thuốc tại nơi làm việc ở Ireland có thể bị phạt lên tới 3.232 USD (tương đương hơn 70 triệu đồng).

Khói thuốc lá vẫn vô tư bay ở nơi công cộng

Trong khi đó, tại Mỹ, luật lệ cấm hút thuốc được áp dụng theo cấp độ chính quyền địa phương. Cho đến tháng 12-2012, toàn nước Mỹ có 28 bang ban hành cấm hút thuốc (quy mô bang) ở mọi địa điểm công cộng, bao gồm quán bar và nhà hàng. Nơi có lệnh cấm hút thuốc lá nghiêm ngặt nhất nước Mỹ là Calabasas, bang California. Tại New York, người đủ 21 tuổi mới có thể mua được thuốc lá.

Quyết liệt với hành vi xả rác bừa bãi

Singapore được coi là một trong những quốc gia hàng đầu của châu Á cũng như thế giới có những biện pháp quyết liệt đối với hành vi xả rác bừa bãi. Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) đã ban hành khoảng 19.000 vé phạt vì hành vi xả rác trong năm 2014, gần gấp đôi so với năm 2013.

Theo Đạo luật y tế công cộng môi trường sửa đổi của nước này, mức phạt tối đa đối với người phạm tội xả rác đã được tăng gấp đôi, khoảng 2.000 đô la Singapore (tương đương hơn 32 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu tiên. Những người tái phạm sẽ bị phạt 4.000 đô la Singapore và mức phạt có thể lên tới 10.000 đô la Singapore (hơn 160 triệu đồng) cho lần vi phạm tiếp theo.

Tòa án cũng có thể ra án phạt yêu cầu người vi phạm dọn sạch khu vực công cộng trong 12 giờ và các phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại việc này.

Không chỉ ở Singapore, các quốc gia khác cũng “mạnh tay” trong việc xử phạt những người thiếu ý thức đối với việc bảo vệ môi trường. Hình phạt tù vì xả rác bừa bãi đã được quy định trong luật lệ của Makassar, thành phố South Sulawesi của Indonesia. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 150.000 - 5 triệu Rp (tương đương 255.000 đồng đến 8,5 triệu đồng) hoặc bị phạt tù từ 7 ngày đến 6 tháng.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, vi phạm quy định cấm xả rác bừa bãi có thể bị phạt từ 30.000 - 50.000 won (tương đương 630.000 - 1.050.000 đồng) hoặc cao hơn tùy theo mức độ. Ở Hàn Quốc, người dân còn được cung cấp lịch vứt rác cho từng tháng với ngày thu gom rác tái sử dụng riêng, ngày dành cho các vật dụng lớn riêng.

Còn tại Vương quốc Anh, 2.500 bảng (tương đương hơn 71 triệu đồng) là số tiền phạt cao nhất cho việc nhiều lần tái phạm xả rác bừa bãi.

Tại Việt Nam, quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng đã được ban hành. Việc xả rác bừa bãi, đi tiểu không đúng nơi quy định... đều là hành vi bị xử phạt. Tuy nhiên, tính hiệu lực của các quy định này là vấn đề lớn, bởi quy định đã có, nhưng rất ít trường hợp vi phạm bị xử lý. Các cơ quan chức năng đang khá lúng túng khi triển khai thực hiện các quy định rất đúng này.