Không tố giác tội phạm và miễn trừ trách nhiệm của luật sư

ANTD.VN - Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) sửa đổi hiện vẫn trong quá trình lấy kiến để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây. Nhưng sau nhiều lần tiếp thu và chỉnh lý, Dự thảo BLHS sửa đổi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt là quy định, luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm. 

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào BLHS tại Đoàn Luật sư TP Hà Nội 

Cụ thể, tại Hội nghị đóng góp kiến vào Dự thảo BLHS năm 2015 sửa đổi vừa được tổ chức tại Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì câu chuyện quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa (thường là luật sư) tiếp tục được đông đảo đại biểu quan tâm.

Gửi kiến nghị tới Ban soạn thảo dự luật cũng như Quốc hội, giới luật sư Hà Nội cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến hoạt động nghề luật sư. Vì vậy, cần cân nhắc thật kỹ khi thể chế quy định trách nhiệm hình sự của luật sư trong mối quan hệ với khách hàng, người mà họ có nghĩa vụ phải bào chữa. 

Có dấu hiệu xung đột pháp lý 

Một trong những phát biểu đáng chú ý nhất tại hội nghị này là ý kiến của Ths. luật sư Huỳnh Phương Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Huỳnh Nam và cũng là thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Theo đó, luật sư Huỳnh Nam cho rằng, về quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa, tuy không được quy định thành một nguyên tắc nhưng đã được quy định tại Điều 19, BLHS 2015, tội “Không tố giác tội phạm”.

Cụ thể, khoản 3, điều luật này quy định: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Ðiều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.

Phân tích về quy định không xử lý hình sự đối với người bào chữa khi không tố giác tội phạm, luật sư Huỳnh Nam nhìn nhận, xét về mặt hình thức thì đây là lần đầu tiên BLHS thể hiện quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm trong một số trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, thực tế sẽ vẫn gây nhiều khó khăn, bất lợi cho người bào chữa khi thực hiện nhiệm vụ, nghề nghiệp của mình.

Quy định tội “Không tố giác tội phạm” tại BLHS năm 2015 sửa đổi chính là điều khoản loại trừ nên không thể bỏ đi. Thay vào đó, chúng ta cần xác định, nhận thức rõ thế nào là bí mật khách hàng; trách nhiệm của luật sư với thân chủ; luật sư với tư cách là công dân và cân nhắc quy định ở phạm vi nào, mức độ nào cho phù hợp để sau này liên ngành còn hướng dẫn thực hiện. Mặt khác cũng cần phải bảo đảm giới hạn để luật sư hành nghề tốt nhất.

PGS.TS Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao)

Bởi theo cách hiểu thông thường nhất thì bào chữa là hoạt động đưa ra bằng chứng, lý lẽ và căn cứ pháp lý để bênh vực cho người bị có hành vi phạm tội. Còn quyền được bào chữa của người bị buộc tội được biểu hiện thông qua việc họ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa trong các giai đoạn tố tụng. Như vậy, người bào chữa phải đứng về phía quyền lợi của người bị buộc tội.

Về nguyên tắc chung, người bào chữa hay luật sư được xã hội phân công chức năng gỡ tội, phản biện và làm đối trọng trước sự buộc tội của các cơ quan tố tụng. Điều này đồng nghĩa với việc người bào chữa phải được người bị tình nghi, bị buộc tội tin tưởng thì mới tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ việc mà họ bị tình nghi, bị buộc tội. Trong khi đó, nếu người bào chữa đi tiết lộ các thông tin biết được về người bị tình nghi, bị buộc tội mà những thông tin đó gây bất lợi hoặc chống lại họ thì sẽ không người nào dám tin tưởng vào người dự định mời bào chữa hoặc đang bào chữa cho mình.

Và điều hiển nhiên nếu không có sự chia sẻ thông tin một cách trung thực giữa người bị tình nghi, bị buộc tội với người bào chữa thì luật sư không thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ của mình. Do đó, vấn đề “bí mật thông tin” của khách hàng đối với luật sư phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ người bào chữa với người được bào chữa.

Chứng minh mối quan hệ hữu cơ giữa người bào chữa và người được bào chữa, luật sư Huỳnh Nam viện dẫn, pháp luật về hành nghề luật sư cũng như quy định tố tụng liên quan cũng đã chế định về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng đối với luật sư. Đó là khoản 3, Điều 18 - Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 thể hiện, luật sư có nghĩa vụ không được tiết lộ những bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ giúp đỡ pháp lý.

Tương tự, Điều 9, Điều 25 - Luật Luật sư năm 2006 và Quy tắc đạo đức nghề luật sư ban hành ngày 20-7-2011 quy định: “Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”.

Hay như điểm g, khoản 2, Điều 73 - Bộ luật TTHS năm 2015 cũng quy định: “Người bào chữa có nghĩa vụ không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản”… Từ những viện dẫn nêu trên, luật sư Huỳnh Nam băn khoăn, rõ ràng đã có những dấu hiệu xung đột pháp lý. Đặc biệt, sự xung đột pháp luật ấy lại xảy ra ngay trong hai bộ luật lớn vừa được ban hành là Bộ luật TTHS và BLHS năm 2015. 

Đặt mối quan hệ Nhà nước lên trên hết

Góp ý kiến về quy định luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm, luật sư Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 - BLHS như dự thảo là rất rộng, có đến 83 tội danh.

Quy định này chắc chắn tác động đến tâm lý người bào chữa và dễ xảy ra tình trạng bào chữa chỉ mang tính hình thức. Bởi với quy định đó thì người bào chữa, luật sư sẽ luôn sợ bị “tai nạn nghề nghiệp” vì các thông tin khách hàng trình bày, cung cấp là khách quan mà không thể lường hết được. 

Luật sư Nguyễn Chiến nhìn nhận, bất cập lớn nhất hiện này là trong khi Điều 73 - Bộ luật TTHS quy định “cứng” việc luật sư không được tiết lộ thông tin của khách hàng thì Điều 19 - BLHS lại quy định việc tiết lộ thông tin do khách hàng cung cấp ở cấp độ cao hơn. Nghĩa là luật sư sẽ vẫn bị xử lý hình sự nếu không “tiết lộ” tội phạm đối với hàng loạt tội danh được quy định tại Điều 389.

Như vậy các quy định của pháp luật vô hình  trung đẩy người bào chữa, luật sư vào chỗ nếu tố giác tội phạm thì trái với đạo đức nghề nghiệp, làm xấu đi tình trạng thân chủ phải tận tâm bảo vệ và cũng đồng nghĩa với việc đánh mất niềm tin từ khách hàng. Còn nếu giữ bí mật thông tin khách hàng thì vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Bàn về quy định tại Điều 389 - BLHS, một số luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu thực tế, trừ nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia (từ Điều 108 đến Điều121) thì các tội danh khác mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác gắn với định tính đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt từ 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình) vốn có phạm vi rất rộng và quá trình giải quyết vụ án đi liền với các tội danh này luật sư vẫn thường xuyên tham gia. Do đó, quy định như vậy luật sư rất dễ rơi vào vòng lao lý.

Từ đó, không ít luật sư cho rằng cần sửa đổi quy định không tố giác tội phạm theo hướng, miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa, luật sư (kể cả người chưa hoặc không được mời bào chữa) khi những người này tiếp nhận thông tin từ khách hàng hoặc chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự không tố giác tội phạm đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia và ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.

Trước băn khoăn của giới luật sư, ông Lê Đăng Doanh - giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội phân tích, BLHS năm 2015 quy định cha, mẹ, con, vợ hoặc chồng của người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mà không tố giác cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Vậy, mối quan hệ gia đình, huyết thống ấy so với mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng thì mối quan hệ nào mạnh hơn?

Với dẫn chứng đưa ra, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, việc đề xuất loại bỏ khoản 3, Điều 19 - BLHS năm 2015 cần phải có căn cứ xác đáng và thuyết phục hơn. Và nếu loại bỏ thì chỉ nên bỏ nhóm tội “đặc biệt nghiêm trọng”, đồng thời phải đặt mối quan hệ Nhà nước lên trên hết. Về phần mình, PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nhìn nhận, quy định tội “Không tố giác tội phạm” tại BLHS năm 2015 sửa đổi chính là điều khoản loại trừ nên không thể bỏ đi.

Thay vào đó, chúng ta cần xác định, nhận thức rõ thế nào là bí mật khách hàng; trách nhiệm của luật sư với thân chủ; luật sư với tư cách là công dân và cân nhắc quy định ở phạm vi nào, mức độ nào cho phù hợp để sau này liên ngành còn hướng dẫn thực hiện. Mặt khác cũng cần phải bảo đảm giới hạn để luật sư hành nghề tốt nhất. Chỉ ra thực tế trước đây, nếu luật sư không tố giác tội phạm thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, ông Nguyễn Văn Hoàn (Bộ Tư pháp) - thành viên Tổ Biên tập BLHS năm 2015 sửa đổi khẳng định: “Với quy định lần này, thực chất là “giảm nhẹ” trách nhiệm cho luật sư”.