Không thể dung thứ hành vi đánh đập trẻ dã man của cha dượng, mẹ kế

ANTD.VN -Liên quan đến vụ án bé trai 8 tuổi nghi bị người tình của mẹ đánh tử vong gây phẫn nộ trong dư luận những ngày qua, ngày 30-3, nguồn tin từ CA tỉnh Bình Phước cho biết, đơn bị này đã bắt giữ nghi can Nguyễn Văn Hải (21 tuổi, trú tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) để điều tra người này liên quan đến cái chết bất thường của cháu bé.

Bị người dân tố giác

Vào chiều 27-3 vừa qua, Nguyễn Văn Hải tổ chức đám tang cho “con trai” tại nhà ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Người dân xung quanh thấy có nhiều biểu hiện bất thường vì thanh niên này chưa có con nên đã báo công an.

Sau khi Công an vào cuộc xác minh đã làm rõ, “con trai” của Nguyễn Văn Hải là cháu Đạt, 8 tuổi, con riêng của chị Đoàn Thị Hồng Nga (30 tuổi, người tình của Hải, ngụ xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú).

Ngay lập tức, Công an mời Hải về trụ sở để  làm rõ sự việc. Tại cơ quan công an, nam thanh niên 21 tuổi khai nhận có tình cảm với chị Nga nên ở chung trọ với mẹ con người này.

Ngày 27-3, Hải không đi làm mà ở trong phòng với Đạt. Đến khoảng 14h, Hải gọi điện báo cho vợ hờ là sức khỏe con trai không tốt, thân thể tím tái. Người mẹ tức tốc về đưa con trai đến bệnh viện nhưng bé đã tử vong.

Khi cháu bé tử vong, Hải bàn với chị Nga đưa thi thể bé trai về quê mình ở ấp 5, xã Lộc Tấn, để tổ chức đám tang và chôn cất nhưng không ngờ bị chính những người dân xung quanh nghi ngờ và tố giác.

Cơ quan điều tra cho biết thêm, chị Nga đã ly hôn chồng. Còn Hải từng có vợ nhưng chưa có con và đã ly dị. Thời gian qua, anh ta sống chung như vợ chồng với chị Nga tại phòng trọ xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài. Hải thường hành hạ, đánh đập con riêng của vợ khiến bé chấn thương khắp người, dẫn đến bỏ ăn.

Khi biết tin con trai bị đánh tử vong, anh Thành, cha ruột cháu bé đau đớn, không nói lên lời.

Có thể nói những vụ việc bạo hành con riêng của vợ, chồng hoặc người tình diễn ra rất nhiều trong xã hội bấy lâu nay. Có những vụ việc khi bị phát giác khiến cho người thân, cộng đồng xã hội hết sức đau lòng, bởi sự tàn bạo của những người nhân danh làm cha, làm mẹ. Gần đây nhất vào ngày 28-3, tại tỉnh Nghệ An cũng xảy ra vụ việc bố dượng đánh con riêng 2 tuổi của vợ phải nhập viện cấp cứu.

Cháu Hồ Phúc Hiếu (2 tuổi), ở thị xã Hoàng Mai, nhập viện trong tình trạng chấn thương vùng mắt, mặt, đầu, không ăn được và cũng không nói được. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Chính quyền địa phương và Công an thị xã Hoàng Mai đã đến gia đình cháu bé xác minh. Ngay sau đó, Trần Bá Thịnh, cha dượng cháu bé bị triệu tập đến cơ quan Công an để lấy lời khai. Tại cơ quan Công an, Thịnh khai rằng, do cháu Hiếu nghịch phá đồ của hàng xóm nên đã đánh cháu.

Theo chị Hồ Thị Sẻ (36 tuổi), mẹ cháu bé Hồ Phúc Hiếu, cho hay, chồng chị suốt ngày uống rượu rồi đánh vợ con, thậm chí nhiều lần dùng dao dọa giết cả 2 mẹ con. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu Hiếu cũng không được đi học.

Đánh con riêng tàn nhẫn... để dạy dỗ!

Có không ít những vụ bạo hành trẻ em mà sau đó người trong cuộc viện lý do đánh để “dạy dỗ”. Nhớ lại vụ mẹ kế đánh đập con riêng trong suốt một thời gian dài xảy ra ở tỉnh Tây Ninh mà báo chí đưa tin vào cuối tháng 11-2017, khiến dư luận bức xúc. Cháu Hà Thái Bảo, học sinh lớp 8, bị mẹ kế là Nguyễn Thị Lan (33 tuổi) trú tại tổ 9, ấp Giồng Cà (xã Bình Minh, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) đánh đập, hành hạ, trên người hầu như lúc nào cũng có vết tích sưng, bầm. Sau một thời gian dài chịu đựng, cháu mới dám nói sự thật với bà ngoại.

Khi hỏi lý do vì sao lại hành hung cháu bé như vậy, người phụ nữ này tỏ thái độ hung hăng, cho rằng mình là mẹ nên được quyền đánh, nhưng đánh là để dạy chứ không phải bạo hành như người dân đồn thổi.

Cháu Bảo và bà ngoại.

"Cha mẹ dạy con có quyền đánh chứ. Vụ việc này tôi đã lên công an xã làm việc... Tôi nuôi được, tôi đánh được. Con cái hư thì rầy la, tôi đánh vài roi để dạy dỗ. Không ai có quyền can ngăn. Nếu tôi đánh nó gây thương tích, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật", người mẹ kế này cho  cho hay.

Theo như cháu bảo kể lại: “Nhiều hôm tan học, con không về thẳng nhà mà vào ông bà ngoại chơi cũng bị mẹ kế dùng củi đánh vào lưng, đùi đến chảy máu. Nhưng con sợ không dám nói với ai”.

Con theo lời những người hàng xóm sống gần nhà cháu Bảo cho biết, thường xuyên chứng kiến cháu Bảo bị cả cha lẫn mẹ kế đánh đập. Nhiều lần hàng xóm căn ngăn, thậm chí là xô xát với cả hàng xóm.

Việc bị mẹ kế đánh đập đã đành, nhưng chính người cha ruột cũng không bảo vệ, che chở em, “đồng lõa” đánh con để không “mất lòng vợ bé”, khiến dư luận cũng hiểu phần nào lý do vì sao trong suốt 8 năm dài cháu Bảo bị bạo hành mà không dám mở miệng nói với ai.

Trẻ em bị bạo hành dễ trở lên lì lợm, khó dạy bảo

Bạo lực gia đình đã ảnh hưởng lớn đến cách hành xử của trẻ em với bạn bè và những người xung quanh. Các nghiên  cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, trẻ em có tuổi thơ sống trong hoàn cảnh bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, có hành vi bạo lực cao hơn nhiều so với những trẻ bình thường. Nếu trong một gia đình không có sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên, thì có thể sinh ra tổn thương tâm lý ở trẻ em và dẫn tới những phản ứng bạo lực, gây gổ, thù hằn ở trẻ.

Vì sao những đứa trẻ là con riêng thường hay bị bạo hành? Chia sẻ về vấn đề này, PSG.TS Trần Thu Hương, giảng viên Khoa Tâm Lý Học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: Về mặt văn hóa, người ta vẫn thường nói cha dượng hay mẹ kế thì rất ít khi có tình yêu với con riêng. Tuy nhiên, lý do đó không thể giải thích cho lý do bạo hành con trẻ như vậy. Việc trẻ em bị bạo hành nó là vấn đề xảy ra thường xuyên từ xưa đến nay. Nhưng ngày nay, do sự phát triển của của công nghệ, truyền thông nên chúng ta biết đến nhiều hơn.

PSG.TS Trần Thu Hương

Khi những người làm cha, mẹ không trực tiếp sinh ra đứa trẻ nhưng lại phải nuôi dưỡng chúng thì dẫn đến việc người ta không dành tình yêu thương trọn vẹn cho đứa trẻ đó. Nhất là khi họ có thêm đứa con chung, người ta thường có tâm lý bảo vệ con đẻ của mình, dành tình cảm cho con đẻ nhiều hơn, chứ không muốn san sẻ tình yêu thương cho con riêng. Bên cạnh đó, do sự tác động từ nhiều phía, xã hội, mối quan hệ nội tại gia đình và từ chính bản thân họ, dẫn tới những ứng xử quá khắc nghiệt với con riêng.

Trong nhiều hoàn cảnh, chính cha ruột hoặc mẹ ruột không có tiếng nói, thậm chí đồng tình trong việc để mẹ kế, cha dượng đánh đập con của mình. Hoặc bản thân họ cũng có những mâu thuẫn trong mối quan hệ với người đã ly dị, sau đó họ dồn nén tất cả những bức xúc vào đứa trẻ. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều những vụ bạo hành con riêng dã man, rất khó giải quyết.

PGS Trần Thu Hương nhấn mạnh: “Bất kể là ai, ngay cả người lớn cũng vậy, không riêng gì đứa trẻ, khi bị bạo hành sẽ tạo ra những sang chấn lớn về tinh thần. Đứa trẻ trở nên lì lợm với các mối quan hệ xã hội và lì lợm trong ứng xử với chính bố mẹ dượng/kế, dẫn tới hành vi chống đối của đứa trẻ. Rất nhều đứa trẻ có những hành vi vi phạm pháp luật bởi điều này, nó giống như sự trả thù lại người lớn. Cũng có thể dẫn tới rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc mà đứa trẻ gặp phải”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng cha mẹ ngược đãi con cái xảy ra phổ biến hiện nay, xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân ý thức pháp luật của người dân còn kém, công tác thực thi pháp luật chưa thật sự nghiêm túc, một số quy định về hình thức xử phạt còn nhẹ.

Luật sư Trương Quốc Hòe cũng cho rằng, nguyên nhân chính là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của một bộ phận người lớn. Điều này cũng xuất phát từ việc quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em còn lỏng lẻo, thiếu các chế tài đủ sức răn đe. Vì vậy, nhiều người bất chấp quy định pháp luật mà có những hành vi ngang nhiên bạo hành trẻ em, xâm phạm nghiêm trọng tới nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của trẻ.