"Không đánh phụ nữ dù chỉ bằng một nhành hoa"

ANTD.VN - 20-10, gọi chính xác là ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhưng cũng có thể, hình ảnh người phụ nữ quanh năm tần tảo, vất vả, hy sinh muôn bề cần có một ngày được đàn ông cả nước tôn vinh nên chăng mà giờ đây, người ta gọi chệch đi là Ngày Phụ nữ Việt Nam. Thôi thì sâu xa là vậy, mà cũng chẳng nên bàn về xuất xứ hay tên gọi thế nào cho chính xác, bởi lẽ ngày tôn vinh ắt hẳn là ngày vui, mà phàm đã là niềm vui thì sao cần so đo sự chuẩn xác đến từng centimet.

"Không đánh phụ nữ dù chỉ bằng một nhành hoa" ảnh 1

Hình ảnh đẹp trong ngày dành cho phụ nữ Việt Nam

Phụ nữ phần nhiều ngày 20-10 ngấm ngầm cho mình đặc quyền được yêu thương từ những người thân của mình, hoặc là chồng con, hoặc là cha, là anh trai hay một cậu bạn thân từ hồi mẫu giáo. Và dường như đàn ông vỏn vẹn trong đúng 24 giờ của ngày này phần nhiều dịu dàng hơn.

Ngoài phố, đàn ông đi mua hoa đông như hội, khi trả tiền thì thường lắc đầu không nhận tiền trả lại từ tay cô hàng hoa xinh đẹp với lý do: “Ngày Phụ nữ Việt Nam mà!”. Người kém lãng mạn hơn thì thay bằng hoa là trổ tài nội trợ, kiểu như mua con vịt về, tự vào bếp, Google công thức, rồi nấu một nồi vịt xáo măng. Thành phẩm của việc mỗi năm vào bếp độ vài lần thực ra cũng không đến nỗi tệ. Hí hửng bưng ra mời mọc, vợ vừa đổ thêm nước lọc vào cho canh đỡ mặn vừa rưng rưng sụt sịt cảm động, cả nhà cười vui. 

Ở các cơ quan công sở, nam giới ngày thường có kiệm lời thế nào thì vào ngày “đặc biệt” được cho là “đặc quyền” của phụ nữ bỗng chốc mau miệng hơn. Sáng ra, gặp nhau ở cổng cơ quan tay bắt mặt mừng chúc chị, chào em thêm phần rạng ngời, xinh đẹp quanh năm. Trưa gặp lại ở cầu thang lại chúc tiếp, chúc xong mới chợt nhớ: “À, ờ chúc rồi à?!”. Rồi thì tổ chức liên hoan, tặng quà tại chỗ. Không có thời gian đi nhà hàng thì mua về công ty, đồ ăn bày la liệt, ăn xong phụ nữ có vén tay thu dọn “bãi chiến trường” thì đồng thanh  một lời: “Để anh/để em…”. Đại khái thế!

Hôm qua, cộng đồng mạng xã hội “rúng động” bởi một tấm ảnh về một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc tềnh toàng, đạp chiếc xe đạp cũ, tay cầm một bông hồng. Nghe đâu ông mua bông hoa với giá 10.000 đồng về tặng vợ. Ông vừa đạp xe miệng tủm tỉm cười, nom hạnh phúc.

Đấy, người đàn ông ấy đã minh chứng một điều rằng - đâu phải riêng phái yếu - những người được thương yêu trong ngày 20-10 mới là những người hạnh phúc. Khi mang yêu thương đến cho ai đó, cũng là hạnh phúc của chính mình. Cộng đồng mạng nguyên một ngày dài không ngớt lời khen ngợi và chia sẻ hình ảnh của ông. Họ gọi người đàn ông ấy là Soái ca một cách gọi đầy chất tiểu thuyết ngôn tình. 

Ở một diễn biến khác, cũng liên quan đến “soái ca” và phụ nữ, lại đúng vào ngày 20-10, đồng loạt báo giới lẫn mạng xã hội đăng tải một video clip ghi lại cảnh hai người đàn ông ăn mặc bảnh bao ở Sân bay Nội Bài. Người thì ghì đầu, còn người kia thì hùng hổ xông vào đánh một người phụ nữ bé nhỏ không có khả năng kháng cự. Màn hành hung phụ nữ đậm chất côn đồ, diễn ra đúng vào ngày họ mặc nhiên được tôn vinh khiến dư luận bàng hoàng xen lẫn hoang mang. 

Bàng hoàng bởi lẽ hành vi côn đồ ấy diễn ra ở sân bay - là bộ mặt đất nước - là nơi tạo ra ấn tượng đầu tiên về một quốc gia - một nơi đáng ra cách hành xử văn hóa phải đặt lên hàng đầu. Vậy mà sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của rất đông du khách quốc tế, họ đến từ những nơi phụ nữ, người già và trẻ nhỏ nhất nhất được tôn trọng và nhường nhịn, bởi lẽ “không được đánh phụ nữ dù chỉ bằng một nhành hoa”.

Hoang mang vì có “soái ca” là nhân viên Nhà nước, lại là thanh tra của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Không hiểu họ bức xúc điều gì với cô gái kia? Clip không có âm thanh, nhưng thôi không có âm thanh cũng tốt, chẳng may mà có thì những lời cãi vã, lăng mạ, chửi bới ở clip hẳn rất khó nghe. Có thể, cô gái đó đã có lời lẽ và hành động khiến hai người đàn ông kia phật ý chăng? Giả sử có, thì cái cách “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với phụ nữ cũng không thể tha thứ, đương nhiên không thể dùng bất cứ lời lẽ gì biện minh. 

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh mà mọi hành vi đều phải tuân thủ theo đúng luật pháp và đương nhiên, Vietnam Airline cũng sẽ có những quy định về thái độ của nhân viên đối với khách hàng. Vậy thì hà cớ gì mà hai người đàn ông to khỏe phải nhọc công trút đòn thù xuống đầu một phụ nữ?

Người viết bài này đã rùng mình khi cố xem cho hết clip và rồi gần hết cả ngày tôi loay hoay đi tìm lời giải cho hành động côn đồ theo kiểu thách thức pháp luật tuyệt nhiên không thể có kia. Hôm qua là ngày phụ nữ, nhưng thật buồn, vẫn có rất nhiều phụ nữ chẳng hề biết đến ngày đó vì tất bật mưu sinh, vì gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền ghì sát đất. Vẫn đầy rẫy những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, của cách hành xử thiếu văn minh và thừa côn đồ. 

Tôi được nghe kể rằng, cái thời xa xưa ấy, câu nói xúc phạm nặng nề nhất đối với đàn ông đấy là ai đó nói họ “tính đàn bà”, “đồ đàn bà”. Bởi lẽ, họ sinh ra là để bao bọc, chở che, nhường nhịn phụ nữ, ít ra là những người phụ nữ của mình. Tôi thích câu nói này từ đàn ông nhất: “Không chấp đàn bà”. Câu nói vừa hỉ xả, vừa bao dung, vừa vượt lên những ích kỷ, hẹp hòi yêu thương của đám nữ nhi thường tình. 

Đúng là thời gian biến đổi, chẳng biết đường nào, rốt cuộc thì ngày 20-10 năm nay cũng đã qua!