Kết thúc thi THPT quốc gia 2017: Vẫn còn gây tranh cãi

ANTD.VN - 860.000 thí sinh đã trải qua 3 ngày thi đầy căng thẳng với nhiều thay đổi so với kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Vẫn còn ý kiến cho rằng một số mã đề thi chênh lệch về độ khó với mã đề thi khác

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, những đổi mới của kỳ thi này bước đầu nhận được sự ủng hộ của xã hội. Với 9 môn thi, thí sinh không thể học lệch, học tủ với đề trắc nghiệm 8 môn thi bao trùm lượng lớn kiến thức. Việc thi tại địa phương dưới sự giám sát của cán bộ trường đại học giúp kỳ thi thuận tiện, minh bạch, khách quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi như áp lực và quyền lợi không đồng đều giữa các thí sinh hay mã đề thi của 8 môn thi trắc nghiệm có chênh lệch khó dễ hay không?

Không còn chuyện bán thóc cho con đi thi

Các năm trước đây, nhiều gia đình kinh tế khó khăn phải bán vật nuôi, bán thóc để đưa con ra thành phố thi đại học, cao đẳng. Chi phí ăn ở, đi lại trong 3 ngày thi đại học khiến một gia đình nông thôn phải mất vài ba triệu đồng, đồng thời vất vả đi lại, lo chỗ ăn nghỉ, ảnh hưởng đến tâm lý làm bài thi của thí sinh. Chưa kể đến những sự cố ngoài mong muốn như tai nạn giao thông khi phải di chuyển quá xa đến điểm thi…

Việc tổ chức thi tại địa phương, do địa phương chủ trì khiến cho các bậc phụ huynh yên tâm, không cần phải chầu chực, đưa con đi thi, lưu lượng giao thông tại các thành phố lớn trong thời điểm diễn ra kỳ thi không còn đột biến về số lượng.

Anh Lê Thành Việt, Bí thư đoàn phường Hàng Trống cho biết: “Tôi nhận thấy lượng xe di chuyển ngoài đường phố đã giảm đi nhiều bởi hầu hết học sinh đến đây thi đều là học sinh ở trên địa bàn thành phố nên việc đi lại, ô tô đưa đón cũng không gây cản trở. Điều này khác hẳn với mọi năm, vấn đề giao thông là bài toán khó nhất bởi lượng xe đổ về Hà Nội rất lớn, gây áp lực cho người dân”. Em Nguyễn Chí Thanh, học sinh trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm chia sẻ: “Theo em đề thi năm nay không quá khó, đủ để tốt nghiệp. Tuy nhiên, để đỗ đại học thì phải cố gắng hơn. Bên cạnh đó, giao thông không bị ùn tắc như mấy năm trước kia”.

Vẫn còn phòng thi 1 thí sinh

Với 9 môn thi cùng nhiều đối tượng thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT hay chỉ để xét tuyển đại học nên việc bố trí các phòng thi đảm bảo đúng quy chế, không gây lộn xộn giữa thí sinh phải làm đủ môn thi với thí sinh chỉ làm một vài môn thi khiến các ban chỉ đạo thi đau đầu. Hiện tượng một thí sinh, một phòng thi tiếp tục tái diễn khiến giám thị vất vả, đồng thời gây ra lãng phí không cần thiết.

Tại điểm thi trường THPT Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Khương, Trưởng điểm thi cho biết riêng với buổi thi bài thi KHXH thì tại điểm thi này có tới 7 loại phòng thi, tương ứng với 7 tổ hợp thi khác nhau. Cụ thể: Tổ hợp “bình thường” đủ 3 môn: Sử, Địa, Giáo dục công dân (GDCD); 3 tổ hợp 2 môn: Sử + Địa, Địa + GDCD và Sử + GDCD; 3 phòng thi 3 môn riêng lẻ các môn Sử, Địa, GDCD.

Vì thế, đây là buổi thi mà điểm thi phải bố trí nhiều phòng thi nhất đợt thi, 25 phòng. Trong đó có 3 phòng thi mà mỗi phòng chỉ có 1 thí sinh. Tại điểm thi A7 trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng có một phòng thi chỉ 1 thí sinh dù thí sinh này vẫn dự thi đầy đủ cả 3 môn Sử, Địa, GDCD. 

Theo giải thích của các Trưởng điểm thi, việc bố trí một phòng thi chỉ có 1 thí sinh là vì phát sinh trong quá trình tổ chức thi theo đúng quy định không được bố trí quá 24 thí sinh trong một phòng thi. Ở mỗi môn thi tổ hợp có 24 mã đề thi thì phòng thi chỉ xếp 24 thí sinh, khi chia ra phòng thi cuối cùng bao giờ cũng là số lẻ, rất hiếm nơi tất cả các phòng đều là 24 thí sinh. Vì vậy có những phòng thi chỉ có 1, 2 thí sinh. Thậm chí, có phòng thi, thí sinh duy nhất đi thi nhưng lại bỏ thi thì giám thị vẫn làm mọi thủ tục theo quy định.

 Áp lực khi thi môn tổ hợp

Mặc dù đã được ôn luyện trong các buổi thi thử, làm quen với đề thi minh họa nhưng Nguyễn Ánh Dương, thí sinh dự thi tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, bước vào kỳ thi thực sự, bài thi tổ hợp vẫn khiến thí sinh chịu áp lực lớn, đặc biệt là phải hoàn thành tốt nhất cả 3 môn thành phần, trong đó môn cuối cùng mới là môn cần để xét tuyển đại học.

Tranh luận về vấn đề này, một giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng sức ép về mặt thời gian trong bài thi tổ hợp lớn hơn so với các năm trước nên chỉ những thí sinh xuất sắc mới có khả năng đảm bảo đủ thời gian hoàn thành bài. Bên cạnh đó, việc sử dụng chung một phiếu trả lời trắc nghiệm cho cả 3 môn thành phần cũng có thể không công bằng với mọi thí sinh.

Theo giáo viên này, với những thí sinh xét tuyển khối A, thì môn Lý và Hóa làm trước, sẽ có lợi rất nhiều. Đến môn Sinh, thí sinh chỉ cần làm nhanh để không bị điểm liệt. Thời gian còn lại, các em hoàn toàn có thể quay lại giải quyết mấy câu khó của 2 môn trước. Dù đề đã nộp, thì thí sinh vẫn có thể nhớ, vì thường những câu khó các em sẽ nhớ rất rõ. Như vậy thí sinh thi môn Sinh để xét ĐH khối B sẽ rất thiệt thòi, vì là môn cuối cùng, tâm lý đã mệt mỏi, lại không còn thời gian để chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, sau khi so sánh các mã đề thi được Bộ GD-ĐT công khai trên website, một số giáo viên cho rằng đề thi theo mã đề đã tạo nên sự thiếu công bằng. Thầy Nguyễn Thế Phong, giáo viên trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM cho biết: “Một số đồng nghiệp môn Toán của tôi sau khi xem xét kỹ 24 mã đề thi đã nhận xét rằng có những mã đề thi khó hơn các mã đề thi khác khá rõ.

Thậm chí, còn có những chủ đề xuất hiện trong đề thi này mà không xuất hiện trong đề thi khác”. Vấn đề này khó có thể đánh giá một cách đầy đủ, độc lập, trong khi Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định phần mềm làm đề thi cho phép phân chia các câu hỏi theo mức độ dễ đến khó đồng đều tới từng mã đề thi.

Công khai toàn bộ đề thi và đáp án

Một trong những cải tiến trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là sau mỗi môn thi, Bộ đều công bố công khai đề thi trên website của Bộ. Đối với 8 môn thi trắc nghiệm, lượng đề thi sẽ là 24 đề khác nhau. Ban đầu đã có ý kiến không nên công khai đề và đáp án vì sẽ làm “lộ” nhiều thông tin trong ngân hàng câu hỏi vốn đã mất rất nhiều công sức để xây dựng.

Các câu hỏi khi đã công khai thì không thể sử dụng lại vì rất dễ gây ra khả năng năm sau thí sinh sẽ được các trung tâm ôn luyện thi chào mời, gây nên tình trạng học đối phó. Tuy nhiên, để thí sinh và xã hội yên tâm, Bộ GD-ĐT quyết định công khai toàn bộ các đề thi này cũng như đáp án.

Thí sinh hoàn toàn có thể so sánh kết quả với thực tế bài làm của mình từ đó đối  chiếu với điểm thi được chấm bằng máy đối với các môn tự luận. Cách làm này giúp cho kỳ thi được minh bạch và là căn cứ đáng tin cậy để các trường đại học sử dụng để xét tuyển thay vì phải tổ chức thi tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Mở rộng đầu vào đại học, siết chặt đầu ra

 Đối với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tâm lý phụ huynh và học sinh đều khá căng thẳng bởi đây là lần đầu áp dụng hình thức thi mới. Tuy nhiên, ngoài áp lực thì cơ hội trúng tuyển vào đại học năm nay khá rộng. Tôi và con chọn đăng ký xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền và trường ĐH Công đoàn.

Tôi cho rằng, các bậc phụ huynh đều có đồng quan điểm cần mở đầu vào và siết lại ở đầu ra trong đào tạo đại học. Việc tổ chức thi không cần quá căng thẳng. Học sinh không học lệch, học tủ nhưng đã có định hướng cần thiết cho bậc đại học.

Các con đều được tạo cơ hội đồng đều để học đại học nếu có nhu cầu và đủ năng lực, còn trong quá trình đào tạo, việc đào thải, siết chặt yêu cầu đầu ra bậc đại học mới là điều tạo nên chất lượng của các cử nhân tương lai. 

Chị Nguyễn Ngọc Lan, (Phụ huynh học sinh trường THPT Văn Hiến)