Hơn 20 biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo

ANTD.VN -TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hơn 20 biến chứng có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo. Vậy biến chứng đó gồm những gì và quy trình chạy thận ra sao?

Trong suốt một quy trình chạy thận và sau chạy thận (khoảng 3-4 tiếng), bệnh nhân luôn được nhân viên y tế theo dõi chặt

TS Nguyễn Hữu Dũng phân tích, thận là cơ quan chính để bài tiết các sản phẩm, chất độc trong cơ thể con người, nói cách khác thận có chức năng lọc để đào thải các chất độc. Với những người thận bị hư, suy thận thì chức năng lọc để đào thải các chất độc nói trên không đáp ứng được, dẫn tới các chất độc trong cơ thể tăng lên.

Vì thế, với những người bệnh này, cần có phương tiện hỗ trợ thay chức năng thận đã hỏng. Chạy thận nhân tạo chính là nhằm mục đích đó, tức để làm thay chức năng của thận và áp dụng với những người đã suy thận nặng, (thông thường áp dụng với những bệnh nhân mà chức năng thận chỉ còn 10-15%). Dù vậy, chạy thận nhân tạo không bao giờ bằng được quả thận khỏe tự nhiên, áp dụng phương pháp này qua năm tháng sức khỏe người bệnh giảm sút đi.

Bản chất của chạy thận nhân tạo là có hệ thống màng lọc, qua màng lọc này cho phép thấm những chất độc trong cơ thể ra. Trong lọc thận nhân tạo, đường máu và đường dịch chia riêng, trong đó đường lọc máu sẽ có quả lọc. Có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu.

Theo TS Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai, thể trạng, sức khỏe người bệnh không tốt là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới sốc khi chạy thận. Đặc biệt với bệnh nhân có thêm bệnh về tim mạch.

Với những bệnh nhân đã có chỉ định chạy thận, thời gian chạy thận thường kéo dài và liên tục, do đó, người bệnh và cơ sở y tế cần được chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo trong cả quá trình chạy thận, bao gồm: Máy móc, đường máu, đường dịch và quá trình chạy thận. Trong suốt thời gian chạy thận (3-4 tiếng/lần), cần có sự giám sát của nhân viên y tế.

Trong lọc thận nhân tạo, nếu quả lọc máu không được sát trùng hàng ngày, rửa không sạch cũng gây nguy hiểm cho người bệnh. Dịch được pha không đảm bảo chất lượng, nước lọc xử lý không tốt cũng sẽ khiến nhiều bệnh nhân gặp biến chứng.

Các biến chứng thường gặp nhất trong chạy thận nhân tạo có thể xảy ra, gồm: hạ huyết áp, buồn nôn và nôn, đau đầu, đau ngực, chuột rút ở bụng…

Các biến chứng ít gặp nhưng nặng như: biến chứng hệ thần kinh xảy ra trong hoặc ngay sau lọc máu, thường xảy ra trong 3-4 kỳ lọc đầu; hội chứng sa sút trí tuệ; hội chứng ép tim do tràn dịch hoặc tràn máu khoang màng ngoài tim; chảy máu cấp hoặc rối loạn đông máu; có thể gặp chảy máu não…

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra thêm một số biến chứng nữa thường xảy ra khi chạy thận nhân tạo, gồm: nhiễm trùng máu thông qua các vết chọc ven; tác dụng phụ khi dùng thuốc trong quá trình chạy thận như mề đay, mẩn ngứa, chóng mặt, dị ứng, nặng hơn là sốc phản vệ….