Hồi kết cho mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại­­­­?

ANTD.VN - Tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa quyết định dừng triển khai dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại Châu Long (quận Ba Đình), đồng thời giao UBND quận Ba Đình nghiên cứu đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Châu Long theo mô hình chợ truyền thống. Quyết định này ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của bà con tiểu thương, người dân cũng như các chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm phù hợp sau những bài học đắt giá về việc cải tạo chợ thành trung tâm thương mại.

Thất bại vì không phù hợp

Thông tin toàn diện về mạng lưới chợ trên địa bàn Thủ đô, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho biết, hiện nay Hà Nội có 434 chợ, 73 siêu thị, khoảng 25 trung tâm thương mại, ngoài ra còn hàng nghìn cửa hàng bán lẻ và hàng trăm chợ cóc chợ tạm phục vụ nhu cầu của nhân dân thành phố. Trong đó, siêu thị mới đảm nhiệm được khoảng 15% nhu cầu, còn lại chợ và cửa hàng bán lẻ đảm nhiệm tới 85%, riêng chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu. 

Trong tổng số hơn 400 chợ chỉ có khoảng 30 chợ loại 1, 50 chợ loại 2. Một số chợ đã được cải tạo nhưng phần lớn vẫn nhếch nhác và tồn tại các vấn đề về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy... Các ban quản lý chợ hoạt động kém hiệu quả do không hạch toán, thiếu chủ động, thiếu phương tiện, chế tài. Khoảng chục năm trở lại đây, thành phố có chủ trương cải tạo một số chợ thành trung tâm thương mại như chợ Ô chợ Dừa, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Mơ. Sau đó việc cải tạo được dừng lại do đánh giá là không mang lại hiệu quả.

Chính vì vậy, lựa chọn mô hình để từng bước cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn là điều hết sức bức thiết. Nhìn lại có thể thấy, sau thất bại tại một số chợ, chủ trương cải tạo nhiều chợ truyền thống thành trung tâm thương mại đã gặp phải phản ứng gay gắt của bà con tiểu thương như tại chợ Nghĩa Đô, chợ Thành Công, chợ Ngã Tư Sở.

Chỉ ra những điểm khiến mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại thất bại, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - người phụ trách lĩnh vực chợ và siêu thị trong mấy chục năm cho rằng: “Ở nhiều nước trong khu vực, các chợ chỉ xây 3 tầng, trong đó tầng hầm phục vụ gửi xe, tầng thứ hai bán hàng ướt như tôm, cá... và tầng thứ 3 là bán hàng bách hóa nhỏ. Trong khi đó các chợ được cải tạo tại Hà Nội trông như một tòa nhà văn phòng, phía trên là để cho thuê, các sạp hàng hóa bị đẩy xuống tầng hầm. Tiền đầu tư chợ phân bổ vào các sạp khiến giá thuê bị đẩy lên quá cao so với khả năng của các tiểu thương. Do đó, nhiều người chấp nhận bỏ chợ, đóng cửa sạp”. 

Không chỉ vậy, trong khi các sạp hàng trong chợ sau cải tạo chịu sự quản lý chặt về thuế, phí, vệ sinh an toàn thực phẩm thì các chợ cóc, chợ tạm xung quanh đó lại bị buông lỏng. “Đó là chưa kể, về phía người đi mua hàng, ví dụ một người muốn mua mấy gói mỳ, khi vào chợ gửi xe mất 5.000 đồng/lượt thì họ sẽ chọn vào chợ hay mua ở ngoài? Đặc biệt, thiết kế các khu vực bán hàng cũng không phù hợp, đơn cử như bán tôm, cá, gà, vịt mà cho xuống tầng hầm, lâu ngày sẽ rất mất vệ sinh”, ông Vũ Vinh Phú phân tích thêm. 

Ảnh: Internet

Ủng hộ mô hình chợ truyền thống

Mới đây tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã chính thức quyết định dừng triển khai dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại Châu Long (quận Ba Đình). Đồng thời, thành phố cũng giao UBND quận Ba Đình nghiên cứu, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp chợ Châu Long theo mô hình chợ truyền thống theo hướng quận ứng vốn thực hiện và hoàn vốn từ thu phí dịch vụ các hộ kinh doanh. 

Về mặt thiết kế, thành phố yêu cầu thực hiện theo kiến trúc kết cấu thép linh hoạt, gọn nhẹ, đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn trong lưu thông hoạt động và phòng cháy chữa cháy... Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Công Thương rà soát lại 7 dự án chợ - trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động, đánh giá hiệu quả của các dự án và báo cáo UBND thành phố. 

Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định nêu trên là hoàn toàn hợp lý. Đồng thời, nên nhìn nhận quyết định này như một hướng đi có tính chất định hướng cho các mô hình xây dựng, nâng cấp, cải tạo các chợ truyền thống trong thời gian tới. Qua đó cũng viết nên hồi kết cho mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại, bởi thực tế việc cải tạo theo mô hình này đã nhận về những kết quả thiếu thuyết phục, nhiều chợ sau cải tạo rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách thậm chí là tiểu thương phải bỏ sạp, đóng cửa như đã phân tích ở trên. 

Một số tiểu thương chia sẻ, việc cải tạo lại các chợ truyền thống là điều hết sức cần thiết bởi nhiều chợ được xây dựng đã lâu đến nay đã xuống cấp. Nhiều chợ chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản như hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy.... Hay việc quản lý xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thực sự được quan tâm. Việc cải tạo, nâng cấp sẽ mang lại một bộ mặt mới, đi cùng với đó chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong hiệu quả hoạt động. 

Cần một cuộc “cách mạng” cải tạo chợ

Là người trực tiếp tham gia cải tạo nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc cải tạo chợ sẽ thất bại nếu không đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất là thiết kế phù hợp, thứ hai là tính minh bạch, công khai. Tiếp theo, phải hiểu rằng cải tạo chợ là dành cho người nghèo, không thể lấy phí đầu tư các tầng trên phân bổ xuống tầng dưới đẩy giá thuê sạp tăng vọt. Đặc biệt cần tránh việc lồng vào những lợi ích của một nhóm người. 

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần có một cuộc cách mạng về cải tạo chợ. Trước hết phải thống kê, rồi quy hoạch một cách khoa học với tầm nhìn ít nhất 50 năm. Phải đánh giá vị trí nào để tiếp tục tồn tại phải nâng cấp, cải tạo, vị trí nào phải bỏ, vị trí nào phải bổ sung. Ví dụ như tại nhiều khu đô thị mới hiện chưa có chợ, do đó chợ cóc, chợ tạm phát sinh, khiến những khu đô thị văn minh trở nên nhếch nhác. Việc này cần tránh những vết xe đổ đã làm trước đó, ví dụ như trong khu vực 700m2 (quanh phố Thái Thịnh) có tới 3 siêu thị, điều này phải tránh lặp lại đối với việc quy hoạch chợ. Hay như thực tế đã diễn ra là một số chợ mở ra nhưng sau khi mở đường thì lại mất chợ. 

Với kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực chợ và siêu thị, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ: “Có thể khẳng định rằng, vai trò cũng như tầm quan trọng của chợ là rất lớn, 20 năm nữa siêu thị mới chỉ có thể đáp ứng 40% nhu cầu, vì vậy chợ sẽ còn tiếp tục tồn tại lâu dài với người dân Thủ đô cũng như cả nước. Chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là chỗ giao lưu văn hóa, là địa điểm tham quan, chính vì vậy khi cải tạo cũng cần gia tăng giá trị cho chợ. Các vị lãnh đạo thành phố cần phải nhận thức được tầm quan trọng của chợ, như vậy mới có thể đi đến hành động”. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, đối với các chợ dân sinh không nên áp dụng hình thức đầu tư xã hội hóa mà phải theo hướng Nhà nước bỏ tiền đầu tư. “Với những chợ có thể thu tốt thì xã hội hóa một phần, Nhà nước đầu tư hạ tầng một phần. Với phần xã hội hóa, khi phân bổ chi phí đầu tư vào các sạp cần minh bạch, công khai, tiền thuê sạp phải cho trả dần trong nhiều năm, bởi tiểu thương buôn bán nhỏ là những người nghèo. Về thiết kế nhất định chỉ xây 3 tầng, không có trung tâm tổ chức đám cưới hay văn phòng ở phía trên. Việc cải tạo ngoài đáp ứng nhu cầu buôn bán của bà con tiểu thương ở chợ cũ còn cần có thêm diện tích để thu hút những người buôn bán ở bên ngoài vào, có như vậy mới bớt được chợ tạm, chợ cóc, thế mới là nhân văn là phát triển”, ông Vũ Vinh Phú đề nghị.

Khi thu hút được các tiểu thương vào buôn bán, thì cần có sự thay đổi về mô hình ban quản lý chợ. Qua đó để quản lý, tổ chức nguồn hàng có chất lượng cho chợ để đảm bảo an toàn, văn minh, hiệu quả. Hàng hóa trong chợ cũng cần phải được niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết. Văn hóa mua bán cũng cần được nâng lên, người bán hàng phải có trách nhiệm với người tiêu dùng. Các mặt hàng tươi sống cần được giết mổ, sơ chế trước khi đưa vào chợ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát phía bên ngoài chợ để đảm bảo công bằng. Quan trọng nhất là việc cải tạo phải công khai minh bạch, người dân phải được tham gia vào ban kiểm soát kể từ khi thiết kế đầu tư cho tới khi hoàn thành.

“Theo tôi, cải tạo chợ là một trong những vấn đề cấp bách của thành phố Hà Nội. Không nên mải mê với mục tiêu 1.000 siêu thị mà hãy tập trung vào chỗ đang đáp ứng 85% nhu cầu mua bán hàng ngày của người dân. Cần đặt ra một mục tiêu rõ ràng, ví dụ trong 5 năm tới thì bao nhiêu phần trăm chợ loại 1, loại 2 được cải tạo thay vì những mục tiêu chung chung chỉ có tính chất khẩu hiệu”, ông Vũ Vinh Phú đề xuất. 

Chuyển đổi phải phù hợp thực tế

Hồi kết cho mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại­­­­? ảnh 4

Câu chuyện chợ thành trung tâm thương mại không phải là chuyện mới. Tuy đây không phải vấn đề của ngành kiến trúc, nhưng tôi quan tâm đến câu chuyện vì sao chúng ta cứ chủ quan thay đổi để rồi nhận ra là nó không phù hợp với thị trường. Với những tiểu thương buôn bán ở chợ, nếu chúng ta chuyển đổi rồi đưa họ xuống tầng hầm để kinh doanh, tôi cho là áp đặt chủ quan. Tôi nghĩ là chúng ta đã quá ưu tiên cho các nhà đầu tư. Họ kiên quyết nhảy vào, nói là xây trung tâm thương mại, nhưng có khi chưa biết có kinh doanh được không, chỉ biết là sở hữu miếng đất ấy đã, rồi về sau tính làm chuyện khác. 

Câu chuyện chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại còn phụ thuộc vào từng khu vực cụ thể. Vì có gia đình đã không còn đi chợ nhưng có những gia đình chợ vẫn là nơi để họ mua bán thực phẩm hàng ngày. Bởi vậy, chúng ta nên nhìn vào chỗ mà chúng ta định chuyển đổi, xem nó phù hợp với thực tế không. Thực tế là có nơi cần thiết phải chuyển đổi, có nơi không chuyển được, đừng nên đánh đồng và áp đặt.

Giữ nguyên mô hình chợ truyền thống là chủ trương đúng

Tất cả các hộ kinh doanh của chúng tôi đều cho rằng, UBND thành phố có chủ trương không xây dựng lại chợ Châu Long thành trung tâm thương mại mà giữ nguyên mô hình chợ truyền thống là hết sức đúng đắn. Trước đây Hà Nội từng có tham vọng xây dựng lại tất cả các chợ thành trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống theo kiểu 2 trong 1. Điển hình cho việc này là đã xây dựng chợ Hàng Da và chợ Cửa Nam thành trung tâm thương mại cao tầng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách làm đó đã không hiệu quả, bởi khi xây xong, người dân không hề mặn mà còn tiểu thương thì rơi vào cảnh ế ẩm kéo dài. Thậm chí sau đó rất nhiều hộ kinh doanh đã buộc phải dừng buôn bán vì không còn khách. 

Điều mà tiểu thương chợ Châu Long cần nhất hiện nay là cải tạo, nâng cấp một cách đồng bộ toàn khu chợ, từ mái che, hệ thống thoát nước cho tới điện chiếu sáng. Chúng tôi ai cũng muốn được kinh doanh trong một khu chợ đảm bảo sạch đẹp, an toàn về hạ tầng. Trong khi đó, do nhiều năm thấp thỏm vì dự án xây trung tâm thương mại nên chợ này không được đầu tư sửa chữa và nhiều hạng mục đã xuống cấp. Đặc biệt nếu có mưa bão lớn thì việc kinh doanh, mua bán của tiểu thương lẫn người dân đều không được đảm bảo, nhiều khu vực có thể tốc hoặc sập mái bất cứ lúc nào. Hy vọng UBND quận Ba Đình sẽ thực hiện việc cải tạo, nâng cấp càng sớm càng tốt. 

Bà Bùi Thị Lân Lan (Tổ trưởng ngành hàng rau, củ, quả chợ Châu Long)

Chúng tôi mất hết khách khi vào trung tâm thương mại

Gia đình tôi kinh doanh tại chợ Hàng Da tính đến nay đã gần 30 năm, nhưng phải nói thẳng, hiện nay việc buôn bán chỉ bằng 20% so với thời điểm trước khi xây chợ. Đây từng là nơi buôn bán tấp nập đứng thứ nhì quận Hoàn Kiếm, chỉ sau chợ Đồng Xuân, nhưng kể từ khi xây dựng thành trung tâm thương mại thì số lượng khách suy giảm nghiêm trọng. Toàn bộ khu vực ngành hàng thực phẩm bị đẩy xuống tầng hầm và đã 3-4 năm nay, tiểu thương chúng tôi chỉ hoạt động theo kiểu cố gắng cầm cự. Không chỉ đối với ngành hàng thực phẩm, khu ngành hàng rượu bia tại tầng 1 còn thê thảm hơn rất nhiều. Gần như các ki-ốt đã phải đóng cửa hoặc chỉ mở cho có. 

Người dân chúng ta vẫn có thói quen đi chợ bằng xe máy và việc vào chợ mà phải gửi xe rồi lại phải leo lên leo xuống tầng hầm khiến họ cảm thấy phiền hà. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại không có biện pháp gì để giúp tiểu thương chúng tôi, cụ thể là chợ cóc, hàng rong vẫn hoạt động tràn lan, đó chính là lý do người dân không mặn mà với việc vào chợ nữa. Hay như chợ Cửa Nam, tiểu thương đã bỏ chợ gần hết. Khu vực chợ truyền thống bên đó hiện đã ngừng kinh doanh và thay bằng siêu thị, tuy nhiên số lượng khách cũng chẳng hề đông. Cần phải nhớ, văn hóa chợ hoàn toàn khác trung tâm thương mại, trong đó việc bố trí thuận tiện cho người dân phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, để hỗ trợ tiểu thương thì giá thuê mặt bằng phải thấp như giá chợ dân sinh thì các hộ kinh doanh mới tồn tại được.

Ông Đặng Văn Khanh, (Chủ ki-ốt thực phẩm 421 chợ Hàng Da)

Cố xây trung tâm thương mại sẽ lãng phí

Trước đây, đã từng có dự án xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở theo mô hình trung tâm thương mại hiện đại kết hợp chợ truyền thống và bị bà con tiểu thương phản ứng rất dữ dội. Quan điểm của các hộ đều cho rằng, chợ phải đúng nghĩa là chợ chứ không thể kết hợp theo kiểu 2 trong 1 như vậy vì đơn giản là chợ sẽ không thể cạnh trang được với trung tâm thương mại. Thực tế cho thấy, nhu cầu cần chợ dân sinh của người dân hiện nay vẫn rất cao. Chính vì thế, suốt một thời gian dài, các tiểu thương chợ Ngã Tư Sở rơi vào tình trạng kinh doanh thấp thỏm vì không biết công việc của mình sẽ tồn tại đến bao giờ. Nếu xây dựng trung tâm thương mại, chắc chắn nhiều hộ sẽ buộc phải bỏ nghề bởi không thể kiếm đâu ra khách. Rất may là vừa rồi chủ trương của thành phố là giữ nguyên mô hình chợ truyền thống trên cơ sở sửa chữa, xây dựng lại và không làm cao tầng.

Đứng ở góc độ là BQL chợ, tôi cũng cho rằng đã là chợ truyền thống thì cần phải giữ lại cái bản chất của nó. Đó không chỉ là nơi để người sản xuất, kinh doanh đến buôn bán mà con là nơi người bán kẻ mua giao lưu, gặp gỡ. Nếu đưa nó vào trung thâm thương mại thì không còn là chợ truyền thống nữa. Mặt khác, đã gọi là chợ thì phải có tính bình dân, phù hợp với điều kiện sống, tập quán tiêu dùng của người dân. Điều đó lý giải vì sao bên cạnh các trung tâm thương mại hay siêu thị hiện đại vẫn tồn tại những chợ cóc, chợ tạm và mọi người vẫn mua bán đông đúc ở đó. Chính vì vậy, để có được mô hình chợ phù hợp với sự phát triển của đô thị thì các cơ quan chức năng cần cân nhắc mô hình nào đáp ứng được tốt nhất cả 2 điều kiện vừa hiện đại nhưng cũng đảm bảo nhu cầu dân sinh. Những mô hình nào chưa hiệu quả cần rút kinh nghiệm và sửa chữa, thay đổi cho hợp lý hơn. Nếu cứ cố xây mà không đánh giá đúng thực tế thì sau đó các chợ truyền thống sẽ lại rơi vào cảnh ế ẩm, dẫn đến lãng phí và ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân.

Ông Trinh Ngọc Lâm, Trưởng BQL chợ Đống Đa (đơn vị quản lý chợ Ngã Tư Sở)