"Học sinh tự tử" - cụm từ khóa đáng báo động

ANTD.VN - Sự việc một học sinh giỏi tại TP.HCM nhảy từ tầng 4 trường học để tự vẫn trước sự khuyên giải, can ngăn của thầy cô giáo gây chấn động dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh trên cả nước.
 

Học sinh hiện nay phải chịu áp lực rất lớn từ học tập, thi cử

Cái chết không đáng có đến từ một con ngoan trò giỏi của gia đình lẫn nhà trường là lời cảnh báo nghiêm trọng với các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Việc nhìn nhận nguyên nhân áp lực cũng như cách nắm bắt tâm lý lứa tuổi vị thành niên là điều mà bất cứ bậc cha mẹ, thầy cô nào cũng cần trang bị cho mình để hạn chế thấp nhất những tình huống xấu đến với con em mình.

Những sức ép vô hình

Ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng trường THPT Tư thục Nguyễn Khuyến (TP.HCM) cho biết, sự việc đau lòng xảy ra với học sinh của trường này khiến toàn trường phải đánh giá, nhìn nhận lại toàn bộ công tác giáo dục, chăm sóc học sinh của trường.

Sự việc diễn ra vào khoảng 5h15 ngày 10-4 tại cơ sở 3A (T15 Mai Lão Bạng, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) khi các thầy giáo nội trú phát hiện em T.T.C (lớp 10E3) đứng trên mái tôn tầng 4. Các thầy giáo đến khuyên nhủ C. vào trong nhưng em không nghe lời. Sau đó, hai bạn thân của C. lên trên để khuyên nhủ thì C. xích gần vào trong được một khoảng.

“Nhiều học sinh bị những vấn đề tâm lý khác nhau như mất tập trung học tập, stress, trầm cảm là tiếng chuông báo động với các bậc phụ huynh. Học sinh ở tuổi vị thành niên có sự biến đổi phức tạp về tâm lý, thể chất làm các em khó khăn hơn người lớn rất nhiều lần để chống chọi trước những áp lực trong cuộc sống”.

Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Khi mọi người tưởng C. đã từ bỏ ý định tự tử thì đột nhiên em C. chạy ra phía ngoài gieo mình xuống sân. Trước khi tự vẫn, C. để lại 2 bức thư gửi lại cho cha mẹ và cho lớp. Theo đó, C. cho biết em quá áp lực vì không đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của gia đình với mình, mặc dù thông tin từ phía nhà trường C. là học sinh giỏi có điểm trung bình 8,9 các môn.

Ngay lập tức nhiều người bày tỏ bất bình gay gắt khi cho rằng sức ép thành tích của nhà trường quá lớn khi đặt ra tỷ lệ đỗ đại học cao nhiều năm nay. Nhiều người lại cho rằng lỗi tại cha mẹ khi lấy con mình làm “thang điểm” để thực hiện ước mơ và giá trị xã hội của cha mẹ. “Lỗi tại Bộ Giáo dục - Đào tạo khi để học trò quá tải với kiến thức toàn cầu và vĩ đại như lịch sử thế giới, địa lý toàn cầu, toán học cao cấp, vật lý hạt nhân, sinh học chuyển gene... Hãy để các em sống vui, sống khỏe và học đúng ước mơ của mình” - bạn đọc Nguyễn Thành An chia sẻ ý kiến của mình trên mạng xã hội.

Những lỗi người lớn thường mắc 

Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, nhiều học sinh bị những vấn đề tâm lý khác nhau như mất tập trung học tập, stress, trầm cảm là tiếng chuông báo động với các bậc phụ huynh. Học sinh ở tuổi vị thành niên có sự biến đổi phức tạp về tâm lý, thể chất làm các em khó khăn hơn người lớn rất nhiều lần để chống chọi trước những áp lực trong cuộc sống. Trẻ có tổn thương do gia đình không hòa thuận, bị thầy cô mắng, bạn bè phân biệt thì áp lực lại chồng thêm áp lực. Sức chịu đựng của trẻ em hiện nay dường như yếu hơn trước tác động từ nhiều phía trong nhà trường, xã hội.

Theo chuyên gia tâm lý, cần giảm tải áp lực cho con không phải là cẩm nang áp dụng được ngay với mọi trường hợp mà phải là quá trình dài hiểu biết về con cũng như thế hệ bạn bè lứa tuổi con em mình. Phụ huynh không nên nặng nề, quá lo lắng về điểm số của con em mình, từ đó đem ra so sánh với bạn bè, anh chị và những mối quan hệ xung quanh. Việc gồng quá sức với con em mình khiến các em quá căng thẳng và dễ trôi trượt khi đã đạt được mục tiêu của mình như đỗ đại học rồi thì lại buông xuôi, không tiếp tục nỗ lực trong khi đây là giai đoạn cần thiết cho sự tìm hiểu, bươn trải, tích lũy.

Đặc biệt việc so sánh con cái với bạn bè sẽ khiến các em tự ti, không dám chia sẻ, hỏi han. Đánh mất nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ của các em dẫn tới học sinh rút lui vào vỏ bọc hoặc ngược lại là phá quấy, tạo ra “cuộc chiến” với gia đình, bạn bè. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, phụ huynh, giáo viên cần trang bị cho mình kiến thức tâm lý cơ bản như nắm bắt được dấu hiệu để nhận thấy con mình đang bị áp lực, bế tắc trong học tập. Học sinh có thể hiện sự chán nản, buồn bã, lầm lì trên nét mặt, ánh mắt, cử chỉ những biểu hiện hành vi bất thường để từ đó có tác động can thiệp tâm lý phù hợp thay vì chỉ lắng nghe, khuyên giải nhẹ nhàng hay bỏ qua, không giải quyết triệt để.