Hóa chất cực độc tìm thấy trong vụ chạy thận ở Hòa Bình là chất tẩy rửa công nghiệp

ANTD.VN - Ngày 4-7, thông tin tới báo chí, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở vụ 8 bệnh nhân chạy thận tại Hòa Bình tử vong vừa qua, kết quả xét nghiệm mới nhất phát hiện trong đường nước RO sử dụng cho các bệnh nhân có chất fluoride – một chất cực độc.

TS Nguyễn Hữu Dũng (trái) cùng PGS.TS Nguyễn Gia Bình (phải) cung cấp thông tin cho báo chí về vụ chạy thận ở Hòa Bình, sáng 4-7

TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, fluoride là hóa chất cực độc, đây là chất tẩy rửa dùng trong công nghiệp, không được phép dùng trong y tế. “Trong xử lý hệ thống RO hóa chất này không được phép dùng mà người ta chỉ được phép dùng 3 hóa chất khác (thường sử dụng Javen) theo hướng dẫn của quốc tế, theo hàm lượng chi tiết” - TS Dũng khẳng định.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, hàm lượng fluoride cho phép trong nước chạy thận phải dưới 0,2 mlg/lít. Tuy nhiên xét nghiệm cho thấy nước chạy thận trong vụ tai biến chạy thận khiến 8 người tử vong ở Hòa Bình này có hàm lượng fluoride cao gấp 263 lần cho phép. Thậm chí sau 2 tuần xét nghiệm lại nguồn nước còn tồn dư trong máy cũng thấy hàm lượng chất độc này có thể gây chết người ngay lập tức.

Trước câu hỏi của một số cơ quan báo chí về việc sau khi vệ sinh đường ống thì theo quy trình có bắt buộc phải kiểm tra đánh giá chất fluoride tồn dư hay không?, TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết: “Chúng ta nên nhớ, đã có quy định rất rõ ràng là không được phép sử dụng chất fluoride trong tẩy rửa hệ thống nước trong y tế. Nếu không sử dụng hóa chất này thì tất nhiên sẽ không có chuyện fluoride trong nước vượt ngưỡng cho phép”

Cũng theo TS Dũng, để phát hiện liệu có fluoride tồn dư không thì phải làm xét nghiệm thử 23 thông số. Nhưng để thử 23 thông số này ít nhất 10 ngày mới có kết quả.

“Tôi khẳng định lại, hóa chất để khử khuẩn, làm sạch đường ống không được phép sử dụng fluoride. Mọi chất đưa vào y tế đều phải được phép, thậm chí kiểm tra nồng độ mới đảm bảo vệ sinh đạt hiệu quả hay không.Vì thế, mấu chốt vấn đề là kiểm soát chất được đưa vào vệ sinh đường ống” - TS Dũng nói.