Hạn chế quyền sinh con của lao động nữ là trái luật

ANTD.VN - Tôi bắt đầu ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty V từ tháng 1-2015. Trong hợp đồng lao động ký kết với công ty có điều khoản như sau: “Trong 2 năm đầu làm việc tại doanh nghiệp, người lao động không được sinh con, nếu vi phạm thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động”. Cuối năm 2016, tôi đã mang thai và thông báo tới công ty. Tháng 1-2017, lãnh đạo công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với tôi theo như quy định trên tại hợp đồng. Tôi xin hỏi việc ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty có trái pháp luật hay không? Vũ Thị Lan Anh (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang)

Sa thải lao động nữ có thai là hành vi trái luật

Kết hôn và sinh con là quyền của công dân được pháp luật công nhận và bảo hộ; không phụ thuộc vào việc có tham gia quan hệ lao động hay không. Việc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với nội dung hạn chế quyền được sinh con của người lao động nữ là trái với các quy định của pháp luật nói chung và Bộ luật Lao động nói riêng.

Do vậy, về tính hợp pháp của điều khoản ghi trong hợp đồng lao động giữa chị và công ty: “Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày bắt đầu làm việc, người lao động không được sinh con” là sai và không có giá trị thực hiện, vì nội dung này không thuộc phạm vi quan hệ lao động. 

Khoản 3 điều 50 - Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu. Do đó, thỏa thuận của các bên hạn chế quyền sinh con của người lao động nữ bị coi là trái pháp luật.

Khoản 3 điều 155 - Bộ luật Lao động năm 2012 cũng nêu rõ: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

Như vậy, mặc dù các bên có thỏa thuận trong hợp đồng lao động về quyền được chấm dứt hợp đồng lao động nhưng ngay từ đầu, Hợp đồng lao động giữa công ty và chị đã vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, Công ty V chấm dứt hợp đồng lao động với chị với lý do chị sinh con là sai vì không có căn cứ, pháp luật cũng không quy định đây là trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Ngoài ra, khi hợp đồng đã bị tuyên bố là vô hiệu thì sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nên trường hợp này chị còn được trả tiền lương và các khoản tiền khác (nếu có) trong thời gian chị đã làm việc cho Công ty V.

Luật sư Lê Hồng Vân - Công ty Luật TNHH Labor Law Địa chỉ: Phòng 702 tòa nhà Viện công nghệ mới, số 8 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội