Hà Nội đã có phương án chống úng ngập mùa mưa bão

ANTD.VN - Tại khu vực nội thành, giải pháp chống úng liên quan chặt chẽ đến việc vận hành trạm bơm Yên Sở và trục chính sông Nhuệ đã được Sở Xây dựng lập phương án. Đối với khu vực ngoại thành, phương án chống úng ngập do Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng. 

Hà Nội đã lên các phương án phòng chống ngập cục bộ trong nội thành

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, hiện nay, Hà Nội đã xác định 3 trọng điểm, 10 điểm xung yếu trong công tác phòng chống lụt bão. Ba điểm trọng yếu được xác định là Trạm bơm Yên Sở (Hoàng Mai); cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm); khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (Đông Anh).

Về 10 điểm xung yếu gồm: Kè Khê Thượng (Ba Vì); đê Sen Chiểu và Vân Cốc (Phúc Thọ); kè Liên Trì (Đan Phượng); kè An Cảnh (Thường Tín); kè Quang Lãng (Phú Xuyên); cống Cẩm Bình; đê Trung Mầu; kè Đổng Viên (Gia Lâm); hệ thống cống ở Cẩm Hà (Sóc Sơn); kè Thanh Am - Tình Quan (Long Biên).

Ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, các trọng điểm và các điểm xung yếu trên thường xuyên được thành phố đầu tư nâng cấp, xây dựng, tu bổ để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu, các trọng điểm và điểm xung yếu đê điều này vẫn luôn trong tình trạng báo động. 

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, để đối phó với các hình thái thiên tai năm 2017, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão. 

Đồng thời, xây dựng phương án hộ đê, đảm bảo an toàn hồ đập, phòng chống úng, khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất nông nghiệp; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; tập trung chỉ đạo hoàn thành công tác tu bổ, xử lý hư hỏng đê điều, hồ đập, nạo vét kênh mương đảm bảo chất lượng, tiến độ quy định. 

Tại khu vực nội thành, giải pháp chống úng liên quan chặt chẽ đến việc vận hành trạm bơm Yên Sở và trục chính sông Nhuệ đã được Sở Xây dựng lập phương án. Đối với khu vực ngoại thành, phương án chống úng ngập do Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng. Việc vận hành hệ thống công trình tiêu úng khu vực ngoại thành thực hiện theo phương án xây dựng được duyệt của các công ty thủy lợi sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, Mê Linh, Hà Nội và các địa phương.

Ông Hà Đức Trung cho rằng, Sở đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và công ty thủy lợi tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn; rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2017; xây dựng phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2017. 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2017 có diễn biến phức tạp: nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm; mưa lũ diễn biến bất thường và ở mức cao, bão hoạt động sớm ở biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền tương đương với trung bình nhiều năm.

Cùng với đó, năm 2017 sẽ là năm thứ ba liên tiếp xuất hiện hiện tượng El Nino chỉ sau một thời kỳ tương đối ngắn chuyển sang pha lạnh. 

Do đó, trong năm 2017, dự báo trên Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng 7 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, thấp hơn so với trung bình nhiều năm; trong đó có khoảng 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Từ tháng 5 - 10/2017 có khoảng 6 - 8 đợt nắng nóng, chủ yếu tập trung vào nửa cuối tháng 5, 6 và 7, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến ở mức 38 - 40 độ C.

Toàn mùa có từ 6 - 8 trận mưa to đến rất to với tổng lượng mưa vào khoảng 1.300 - 1.500 mm, xấp xỉ trung bình nhiều năm.