Hà Nội: 100 cơ sở nấu rượu thủ công mới có 1 cơ sở có giấy phép

ANTD.VN - Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội thông tin, điều tra cơ bản gần 5.000 cở sở sản xuất rượu cho thấy, chỉ có 50 cơ sở có giấy phép kinh doanh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao bằng khen của Chủ tịch UBND TP cho các cá nhân, tập thể xuất sắc

Sáng 24-5, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” 2017.

Theo báo cáo của Sở Y tế, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” 2017, Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 22.323 cơ sở, xử phạt 1.236 cơ sở với số tiền 5 tỷ 328 triệu đồng; tiêu hủy hơn 3.000 lít rượu không rõ nguồn gốc; 34 cơ sở buộc phải đóng cửa...

Từ đầu năm 2017 đến nay, Hà Nội đã xảy ra 29 trường hợp ngộ độc rượu có methanol. Đa số các trường hợp ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường cho biết thêm, các cơ sở nấu rượu thủ công chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu lấy phụ phẩm phục vụ chăn nuôi, men rượu không đảm bảo tiêu chuẩn... nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó người tiêu dùng vẫn có thói quen thích sử dụng rượu tự nấu, rượu ngâm nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc methanol. Bên cạnh đó, việc quản lý rượu còn sự chồng chéo giữa ngành Công Thương và Y tế.

Về công tác kiểm tra rượu ở cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: “Ở địa phương có tình trạng nể nang nên chưa kiểm soát được các cơ sở kinh doanh, nấu rượu nhỏ lẻ. Nếu không làm tốt công tác quản lý, sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng ngộ độc, thậm chí là tử vong do methathol”, ông Nguyễn Khắc Hiền nói.

Cũng tại hội nghị, Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội thông tin, điều tra cơ bản gần 5.000 cở sở sản xuất rượu cho thấy, chỉ có 50 cơ sở có giấy phép kinh doanh.

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Thượng tá Phùng Quang Hiển kiến nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tố giác các cơ sở vi phạm.

Thượng tá Phùng Quang Hiển cũng đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí giám định các mẫu rượu. Bên cạnh đó, mỗi quận huyện, thị xã cần có kho bảo quản tang vật đáp ứng được yêu cầu.

Đánh giá cao các kết quả Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội về việc sớm hoàn thiện, thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để có chế tài mạnh hơn, đủ răn đe đối với các hành vi vi phạm về ATTP. Bộ Y tế cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo ATTP hiện nay.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, an toàn vệ sinh thực phẩm là “cuộc chiến” cần kiên trì nhiều năm. Ông Nguyễn Văn Sửu đề nghị tiếp tục tăng cường kiểm tra, đặc biệt là mặt hàng rượu.

Đồng tình với những đề xuất của Phòng Cảnh sát môi trường, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu lưu ý, thời gian tới, cần cần nêu cao vai trò của quần chúng nhân dân, khen thưởng những người tố giác các cơ sở vi phạm.

“5.000 cơ sở nấu rượu chỉ có 50 cơ sở có giấy phép là con số giật mình. Ngay sau hội nghị, các địa phương cần rà soát ngay, cơ sở nào đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành thì cấp phép. Cơ sở chưa đủ điều kiện, kể cả trong làng xã, nấu rượu để lấy phụ phẩm chăn nuôi cũng phải đăng ký để quản lý, không để tình trạng tù mù” - Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP cho 32 tập thể, cá nhân. Phòng Cảnh sát môi trường CATP được nhận 2 Bằng khen cho 1 tập thể, 1 cá nhân.