Gian lận thi cử, mức phạt tối đa là 10 triệu đồng

ANTD.VN - Qua báo chí tôi thấy hầu như năm nào cũng xảy ra hiện tượng gian lận trong thi cử. Xin hỏi, việc gian lận thi cử bị xử lý như thế nào và những người buôn bán, cung cấp thiết bị dùng trong gian lận thi cử có bị xử lý bằng hình sự không? Trịnh Văn Tuyến (Sóc Sơn, Hà Nội)

Gian lận thi cử, mức phạt tối đa là 10 triệu đồng ảnh 1Luật sư  Giang Hồng Thanh, VPLS Giang Thanh, Địa chỉ: Số 197, phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội 

Trả lời: Dường như năm nào cũng vậy, cơ quan chức năng đều phát hiện ra hàng loạt thí sinh có hành vi gian lận trong thi cử như: nhờ người thi hộ, thi thuê, làm bài hộ, mang tài liệu, sử dụng thiết bị không được phép trong phòng thi…

Đáng báo động hơn là trong vài năm trở lại đây đã xuất hiện tình trạng nhiều thí sinh dùng các công cụ kỹ thuật tinh vi bị nghiêm cấm sử dụng để hỗ trợ làm bài. Đơn cử là loại tai nghe siêu nhỏ có chức năng nhận, truyền tín hiệu không dây rất khó bị phát hiện. Tất nhiên, những hành vi nêu trên đều bị triệt để nghiêm cấm. 

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 88 - Luật Giáo dục quy định các hành vi mà người học không được làm, trong đó có hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh. Và nếu người học thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi hành chính theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác và phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi.

Còn đối với người kinh doanh thiết bị, công nghệ phục vụ việc gian lận trong thi cử, nếu những thiết bị này không có giấy chứng nhận đăng ký, sẽ bị xử phạt hành chính, theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 sửa đổi bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Cụ thể, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định của BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009 thì người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký còn có thể bị xử lý hình sự, theo Điều 159 của Bộ luật này về tội "Kinh doanh trái phép", nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã bãi bỏ điều luật gắn với tội danh “Kinh doanh trái phép”. Hiện tại, BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành nhưng thực hiện Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29-6-2016 của Quốc hội thì những người kinh doanh trái phép, trong đó có đồ vật dùng trong gian lận thi cử sẽ không bị xử lý bằng hình sự, theo tội “Kinh doanh trái phép”.