"Gánh nặng kép" về dinh dưỡng trẻ em

ANTD.VN - “Việt Nam đang phải gánh gánh nặng kép do cùng lúc vừa phải đối phó với tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân và thấp còi), đồng thời là tình trạng gia tăng nhóm trẻ thừa cân béo phì” - PGS.TS.BS Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết.

Những con số đáng lo

Khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 cho thấy, tình trạng dinh dưỡng trẻ em đã được cải thiện đáng kể so với 30 năm trước. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 52% năm 1985 xuống 14%; thể thấp còi 60% nay còn 25%. Mặc dù giảm, song con số này giảm chậm và vẫn ở mức cao, đang có có xu hướng chững lại. Tỷ lệ này có ảnh hưởng đến tầm vóc, sức bền trong tương lai của người Việt.

Trong khi đó, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng, cao gấp 9 lần so với năm 2000. Cụ thể, sau 15 năm, nhóm trẻ thừa cân béo phì đã tăng từ 0,6% (năm 2000) lên mức 5,6% (năm 2015). Tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ béo phì có xu hướng cao hơn, TP.HCM lên tới 10,6% và là địa phương có tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì cao nhất cả nước; Hà Nội con số này là trên 6%.

Theo bà Lê Thị Bạch Mai, thực trạng này rất đáng lo và cần kiểm soát tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì xuống dưới 5%, nếu không đây sẽ là “nguồn” bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường, thừa cân béo phì ở người trưởng thành và có thể mắc một số loại ung thư khi các em lớn tuổi.

Nguyên nhân từ cha mẹ

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Bạch Mai, việc gia tăng tình trạng trẻ thừa cân béo phì nhưng vẫn thiếu chất có nguyên nhân từ chính cha mẹ. Cụ thể, có 3 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này:

Khẩu phần nhiều thịt ít rau

Hiện nay trẻ em tiêu thụ quá nhiều đạm động vật so với đạm thực vật, dẫn đến nguy cơ béo phì về sau. Khẩu phần ăn của trẻ đầy ắp các loại thịt cá, gia cầm, hải sản nhưng lại thiếu rau xanh, củ quả và các chế phẩm từ đậu nành (đậu hũ, tào phớ, sữa hạt...). Đây là những thực phẩm dồi dào vi chất và nguồn đạm lành mạnh, ngăn ngừa béo phì, phòng chống nhiều bệnh tật khi trưởng thành (tim mạch, tiểu đường, ung thư…). Nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng cho thấy, 100g đậu nành chứa đến 33-38g protein, cao gấp rưỡi lượng đạm trong thịt lợn.

Sở thích ăn uống của trẻ

Trẻ nhỏ thích các loại thức ăn nhanh giàu năng lượng nhưng nghèo vi chất như snack, xúc xích, khoai tây chiên, mì tôm, nước ngọt... Các loại thức ăn này đều có hàm lượng chất béo và đường ngọt cao hơn khẩu phần chung. Bà Lê Thị Bạch Mai lưu ý, phụ huynh cần hiểu trẻ thừa cân béo phì là thừa về năng lượng, chứ không phải dư về dinh dưỡng. Bản thân trẻ vẫn có nguy cơ thiếu hụt canxi, sắt, kẽm, mangan... và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. 

Mong muốn con tăng cân nhanh và nhiều của mẹ

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Y Xã hội học (ISMS) năm 2013 cho biết, có đến 30% bà mẹ không biết con mình thừa cân, 15% bà mẹ có con béo phì nhưng vẫn muốn bé tăng cân nhiều hơn nữa. Quan niệm con béo tốt để phát triển thể lực và dự phòng hao hụt lúc ốm đau vẫn còn tồn tại. Nhiều gia đình thiếu kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và cân đối cho trẻ nhỏ. Điều này khiến mẹ ra sức ép con ăn, hoặc cho con ăn uống thả ga các thực phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo vi chất.